Xác định tinh thần và lập trường tu hành (Phần 1)

25/05/2018 | Lượt xem: 3823

Chân Hiền Tâm

Là cư sĩ thì hầu hết đời sống của chúng ta gắn liền với công việc, gia đình và xã hội. Nên rồi những thứ cần thiết cho việc tu hành như giới luật thanh tịnh, cảnh tịnh ít duyên v.v… gần như mình không có. Vì vậy đặt ra vấn đề tu hành cho một người tại gia phải nói là ít ai dám nghĩ đến. Nhưng hiện thực thì chúng ta đã tu và tu có kết quả. Nghĩa là, ngay trong đời sống thường nhật của mình đây, với pháp môn BIẾT VỌNG KHÔNG THEO, mình đã ứng dụng và có được sự lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội. Đó là phúc duyên lớn lao cho người tại gia. Vì vậy, một khi đã có duyên lành đến với thiền thì mình nên thực hiện những gì mình đã chọn ở mức độ CỐ GẮNG NHẤT. Có vậy, mới mong ĐỀN TRẢ được phần nào công ơn của Thầy Tổ mà không làm MẤT ĐI phúc duyên sẵn có của mình.

 

Một khi đã ý thức được vậy thì ngoài niềm tin đối với Phật Tổ, ngoài lòng tha thiết đối với Thầy, ta còn phải xác định LẬP TRƯỜNG TU HÀNH của mình cho được rõ ràng, để việc làm hiện tại của mình được ít nhiều tốt đẹp. Vì trong việc tu hành, nếu lập trường tu hành của mình không có thì ta dễ vướng vào những thứ mà những bậc đi trước đã nói - ĐƯỜNG TẺ. Nếu lập trường tu hành của mình không được rõ ràng thì ta rất dễ chùn bước và bỏ cuộc một khi gặp trở ngại hoặc khó khăn. Đây là việc ta gặp rất nhiều trên đường tu.

Đã nói đến tu mà nhất là tu thiền thì phải đặt vấn đề HÀNH. Không hành thì mình không thể hiểu được giá trị của những gì mình đã học. Không hành thì chúng ta không thể có niềm tin để đi tiếp. Những thứ gọi là ngộ, giải ngộ hay đốn ngộ cũng chỉ với mục đích là giúp người tu có được niềm tin - với Phật Tổ, với Thầy và với chính mình - để có thể đi trọn con đường mình đã chọn. Nên vấn đề HÀNH là cần thiết. Thành đã nói tu thì phải cố gắng hành. Không thể hành một ngày thì một buổi. Không được một buổi thì một tiếng. Không được một tiếng thì cố gắng 30 phút. 30 phút cho mỗi buổi sáng để BIẾT VỌNG KHÔNG THEO. Nếu biết mà cứ theo thì mình nên theo hơi thở để bớt vọng. Vậy là ta có hành. Cái ít sẽ thành nhiều, cái khó sẽ thành dễ …

Vả lại, tu mà hành cũng là một trong ba điều Hòa thượng mong muốn đệ tử của mình phải có. Đã có niềm tin yêu đối với bậc Thầy của mình thì mình cũng nên có quyết tâm thực hiện hoài bảo của Thầy cho được trọn vẹn.

Kế tiếp, ta còn phải chuẩn bị tinh thần cho việc tu học của mình là, mình phải đối đầu với rất nhiều khó khăn và trở ngại trong chính bản thân mình. Không gan, không quyết, không bền chí thì không thể có kết quả tốt đẹp cho việc tu hành. Nói vậy không phải để chúng ta bi quan chùn bước. Nhưng thật tình, với bất cứ một vấn đề gì hay một công việc nào, một khi mình đã nắm vững được đường lối cũng như chuẩn bị sẵn tinh thần cho những khó khăn và trở ngại có thể xảy ra trong quá trình thực hiện, mình mới có thể vượt qua và hoàn thành nó một cách tốt đẹp. Điều này giới cư sĩ mình đã có nhiều kinh nghiệm, vì hoàn cảnh và môi trường sống của mình có nhiều chuyện phải đối đầu và giải quyết.

Giờ nói thẳng vào vấn đề tu hành để hiểu vì sao mình phải chuẩn bị tinh thần cho những việc như vậy.

Ai cũng biết tinh thần tu hành chính của đạo Phật là PHÁ NGÃ. Phá ngã là phá bỏ đi những THÓI QUEN sẵn có của mình. Từ những thói quen thuộc về thân, về miệng, cho đến những thói quen về suy nghĩ, mà ngày nay ta thường gọi là quan niệm hay định kiến ... Tất cả điều phải bỏ. Bỏ những thứ này cũng như cắt đi nắm ruột của mình, là điều không phải dễ làm. Vì vậy, nếu không chuẩn bị tinh thần chịu khó, chịu khổ thì ta khó mà tu đến nơi đến chốn.

Với người tu thiền, chỗ nhắm của ta là LIỄU THOÁT SANH TỬ, là trở về NGỘ NHẬP LẠI PHẬT TÁNH của mình, vấn đề này lại càng rõ ràng đậm nét hơn. Thành tu mà không phá ngã thì dứt khoát không phải là tu Phật và càng không phải là tu thiền chân chánh. Nói lên điều ấy để làm gì? Để thấy việc xác định tinh thần tu hành của người tu là cần thiết. LÝ cần phải rõ ràng chính xác thì trên SƯï, mình mới thực hiện được đúng đắn.

Một khi đã lấy việc TU LÀ PHÁ NGÃ làm tinh thần tu hành của mình, ta sẽ nhận ra rằng: Những gì làm mình e ngại, khó chịu v.v… nói chung là những thứ không thuận theo lòng mình, chính là những thứ ta không nên né tránh mà phải đối diện nhìn thẳng vào nó. Những thứ không vừa lòng mà tránh đi thì khác gì mình đang bảo bọc kỹ càng ngã tướng của mình. Vì vậy phải đối diện với nó. Có dám dối diện với nó thì mới mong phá trừ được cái ngã thâm căn cố đế của người tu.

Còn cách phá trừ thì Hòa thượng dạy mình rất thẳng tắt, rất đơn giản là : Những ý niệm, những tơ tưởng, những cảm giác vui, buồn, sợ sệt, thích thú, e ngại … một khi chúng dấy khởi thì KHÔNG THEO! Đối với những người mới thực hành như chúng ta thì nói là BUÔNG ĐI! Không theo hay buông đi là để đưa tâm trở lại trạng thái vốn không của nó. Dừng được những ý niệm, những cảm giác khi chúng mới xuất hiện ngay ở tâm như vậy là ta đã dừng luôn được thân nghiệp và khẩu nghiệp.

Một khi ta đã ý thức được vậy thì sẽ có nhiều thuận lợi cho việc tu học của mình:

1. Môi trường học hỏi của mình được mở rộng, ở đâu mình cũng tu được, ai mình cũng có thể học được. Tất cả đều là những duyên giúp mình nhìn lại con người mình. Có vậy thì việc học hỏi và tu hành của mình mới không giẫm chân tại chỗ. Tinh thần độc lập vượt khó của mình mới có. Mình sẽ không ngần ngại hay lùi bước khi gặp khó khăn trong việc học cũng như hành. Thiền sư Triệu Châu nói “Con nít lên ba hơn ta, ta học nó. Ông lão bảy mươi ba thua ta, ta dạy họ” đã nói lên tinh thần tu học mở rộng này. Dạy thì chưa dám, nhưng học mà theo được phương châm ấy, là một trong những cách giúp ta phá dần đi ngã tướng của mình.

2. Quan niệm của mình đối với một bậc Thầy sẽ đúng đắn hơn: Thầy không phải là chỗ dựa êm dịu để mình nương tựa, cũng không phải là bậc để mình dựa vào đó mà hãnh diện với mọi người … mà Thầy là người chỉ bày những kinh nghiệm cần thiết cho việc tu học của mình, là người có thể giúp mình phá đi ngã tướng, là người chỉ ra những lỗi lầm của mình. Ý thức được vậy thì ta mới có thể gần gũi, tham khảo, học hỏi với một vị Thầy và sẽ có ý thức đúng đắn hơn trong việc nghe pháp. Bởi ai cũng có khuynh hướng né tránh hay “cao chạy xa bay” khi lời nói của Thầy không phải là một lời ca ngợi, mà là một câu phê bình hay góp ý, là thứ làm chạm đến ngã tướng của mình. Ý thức vấn đề này rõ ràng thì việc tu hành của mình mới có cơ tiến triển.

3. Một khi đã thực hiện được các điều trên thì mình sẽ rõ ràng được với chính mình, không lầm về bản thân mình. Không lầm với chính mình là, biết những gì mình đã làm được, mình chưa làm được, mình yếu chỗ nào, công phu mình đang ở mức độ nào, mình tiếp duyên là do bắt buộc hay do mình chưa dừng được, mình tự tại an lạc là do công phu hay do mình gặp toàn chuyện vừa lòng, gặp việc nghịch lòng mình cũng bình tĩnh yên ổn, nhưng là tự nhiên hay vẫn còn phải dụng công v.v… Đây là điều rất quan trọng đối với người tại gia, vì ta được hoàn toàn tự do trong việc tu hành. Có không lầm về chính mình ta mới định rõ được những điều cần làm và mới có thể tới lui nhịp nhàng trong công phu. Vì trong vấn đề tu hành không phải khi nào mọi thứ cũng suôn sẻ trơn tru. Làm sao trơn tru được một khi mình đi ngược lại với những thói quen nhiều đời của mình? Phá bỏ các thói quen thì có khác gì một con nghiện cai thuốc, tránh sao khỏi những phản ứng về tâm sinh lý.

Có khi lòng tha thiết và sự liên tục trong công phu cũng gây trở ngại cho mình thì mình phải xả bớt. Nhưng XẢ và CHẠY THEO là hai thứ khác nhau. XẢ là để điều hòa lại những cái đi hơi quá đà. CHẠY THEO là do không làm chủ được bản thân vì bị thói quen dẫn dắt. Nếu không rõ ràng với chính mình thì thay vì là hỗ trợ cho công phu tu hành, hóa ra là tiếp tay cho những thói quen sẵn có của mình.

Như pháp môn “Biết vọng không theo” mà mình đang áp dụng đây. BIẾT VỌNG là phá đi thói quen chuyên hướng ra ngoài của mình. KHÔNG THEO là phá đi thói quen chuyên sanh khởi của mình. Hai thứ này một khi được thực hiện liên tục và miên mật thì có khi gây sự căng thẳng cho người tu. Là người khéo thì mình phải biết xả kịp thời. Xả và chạy theo là hai thứ khác nhau cần phải ý thức. Ý thức được, ta mới có thể tới lui nhịp nhàng và công phu của ta mới tiến, không thì rất là nguy hại. Khi cần xả lại sợ chạy theo rồi không xả thì mất bình thường. Khi chạy theo lại cho là xả thì mất mình. Thành không rõ ràng với chính mình là không được.

Cuối cùng là, ta nên có lời nguyện. NGUYỆN là vì có những điều phù hợp với đạo, mình chưa làm được mà muốn làm được. Nhìn cư sĩ mình thì còn nhiều thứ chưa làm được lắm. Có khi ăn chay cũng chưa được, có khi 5 giới giữ cũng chưa xong … thành ta nên có lời nguyện. NGUYỆN là hình thức biểu trưng cho tinh thần tu học tha thiết và dứt khoát của mình. Nó là sức mạnh, là niềm tin giúp ta vượt qua khó khăn và trở ngại. Có nguyện thì có ngày ta sẽ được toại nguyện.

Là cư sĩ thì biết, đường thành Phật của mình dài lắm. Dài mà công phu chưa vững thì nhiều khi … lang thang đâu đó mà quên mất đường về. Cứ nhìn ngay hiện tại đây thì thấy, chỉ với một việc BIẾT VỌNG KHÔNG THEO thôi mà mình còn quên lên quên xuống, nói gì chết đi sống lại mà nhớ Tổ, nhớ Thầy, nhớ đường, nhớ quê … thành ta nên có lời nguyện. Chính lời nguyện sẽ tạo ra những duyên giúp mình không rời khỏi Phật đạo được. Chưa kể LỜI NGUYỆN còn là thứ giúp ta vượt qua khổ nạn ngay tại đây và bây giờ. Một khi đang gặp khó khăn bức xúc đau khổ mà ta dám nguyện một câu đại loại như là “Nguyện thay thế tất cả những khổ nạn mà con đang gặp đây cho mọi người và muôn loài”, thì tâm mình sẽ vượt qua khổ ách tức thì. Vì một khi ta dám mở lòng phát nguyện vì tất cả, cũng có nghĩa là ta đang phá được ngã tướng của mình. Phá được ngã tướng thì an lạc và giải thoát. Đó là sự an lạc thiết thực của người tu.

Nói chung thì, từ lời nguyện cho đến việc tu hành ta được tự do mọi thứ. Nguyện sao cũng được, tu sao cũng được, không tu không nguyện cũng được. Cư sĩ mà! Nhưng đã nguyện thì cố gắng nhớ cái nguyện hoàn thành Phật đạo của mình. Đã tu thì cố gắng xác định tinh thần tu hành là phá ngã. Đó là hai điều chính mà có chúng, ta sẽ dễ dàng giải quyết việc tu hành cũng như sinh hoạt đời thường của mình một cách hài hòa. Nghĩa là, mình vẫn hoàn thành được trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, mà việc tu hành của mình cũng không hề lơi lỏng, như Hòa thượng từng dạy “Đời và đạo phải cân bằng”.

Là cư sĩ thì đời sống của chúng ta phải nói là phức tạp. Dù lấy pháp môn BIẾT VỌNG KHÔNG THEO làm nền tảng cho việc tu học, nhưng trong từng sự từng việc và tùy nghiệp tập của mình đối với từng sự từng việc ấy mà công phu của mình có khác đi. Đây là điều đòi hỏi mình phải khéo léo và uyển chuyển. Tuy nhiên, chỉ cần tinh thần tu học của mình có, lòng tha thiết của mình đầy đủ, mình sẽ nhận được tất cả những gì cần làm trong những thời pháp. Vì không đâu chứa nhiều kinh nghiệm từ đời sống tu hành cho đến những sinh hoạt thời thường bằng chính từ các bậc Thầy. Nhưng phải nói, nhiều khi lòng tha thiết của mình không có, tinh thần tu học của mình yếu, thành mình không nhận được những kinh nghiệm thiết thực đó. Việc nghe pháp trở thành những giờ thoải mái thoáng qua, vì mình chỉ thích nghe những thứ lâng lâng cao siêu trên chín từng mây, mà không thích nghe nhắc đến những cái gọi là thói hư tật xấu, cũng như những cái chưa muốn làm, hay chưa làm được của mình, là những cái mà mình hay cho là tầm thường, vụn vặt không đáng nghe. Nên rồi, dù mình có được một cái gì đó trong công phu tu hành chăng nữa, dù mình có muốn công phu tu hành của mình tăng tiến chăng nữa, thì mọi thứ vẫn cứ trở ngại và dẫm chân tại chỗ. Bởi không đối mặt với những cái tầm thường ấy, không vượt qua được những cái vụn vặt ấy thì không thể nào tiến sâu vào bên trong được.

Từ chỗ này liên hệ đến các việc khác ta sẽ thấy, dù là các việc công đức hay phúc lợi, một khi làm mà mình không ý thức được tinh thần vô ngã của đạo Phật thì càng làm, mình càng vướng vào những thứ vẽ vời của cái ngã ẩn tàng. Và một khi cái ngã ẩn tàng ấy không có chỗ để phát triển thì có khi là mình sẽ bỏ cuộc nửa chừng cũng nên. Đây không phải là điều mình ít gặp ở người tu. Rất nhiều! Thành là người tu Phật thì dù làm bất cứ việc gì, ta nên ý thức đến vấn đề PHÁ NGÃ. Hòa thượng đã dạy mình BIẾT VỌNG KHÔNG THEO cũng chỉ cốt là để ta làm việc gì cũng lấy việc phá ngã lót đường.

Người tu một khi đã chuẩn bị tinh thần cũng như lập trường tu hành của mình được chín chắn rồi, thì tất cả những gì còn lại sẽ được giải quyết ổn thỏa. Dù cho đường ta đi còn rất dài, ta còn rất nhiều khó khăn phải trải qua thì ngay hiện tại đây, mình vẫn là người an lạc và giải thoát. Sự an lạc giải thoát bắt nguồn từ niềm tin đối với chính mình, với tất cả những gì chư Phật, chư Tổ và các bậc Thầy của mình đã dạy. Đây là lý do vì sao trong bài, việc XÁC ĐỊNH LẬP TRƯỜNG và TINH THẦN TU HÀNH được nêu ra trước tiên.

Phần sau là triển khai một số vấn đề của bài viết, qua đó hiển bày những kinh nghiệm tu hành dưới dạng các câu hỏi đáp để dễ nắm bắt. Khi trình bày, tôi cố gắng đưa ra cả nguyên nhân lẫn tác dụng của việc mình đã thực hành. Đây là vấn đề cần thiết: Biết rõ nguyên nhân cũng như tác dụng khi ta áp dụng một pháp môn, ta mới đủ lòng tin đi tiếp khi gặp phải khó khăn. Song những gì liên quan đến kinh nghiệm thì không có tính cách chung như tinh thần chính. Những phần triển khai về pháp môn “Biết vọng không theo” cũng chỉ là một trong các khía cạnh của pháp môn ấy qua cái nhìn và kinh nghiệm của chính người viết mà thôi. Là cái riêng mà không phải cái chung thì “Hữu duyên thiên lý năng tao ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”.

Vì sao “một khi đã có duyên lành đến với thiền thì nên thực hiện những gì mình đã chọn ở mức cố gắng nhất” mà không đặt ra một kết quả cụ thể nào cho vấn đề tu hành?

Vì duyên nghiệp của mỗi người mỗi khác. Cùng một NHÂN mà DUYÊN khác thì quả phải khác, huống là khác cả nhân và duyên.

Như chôm chôm ở Long Thành không giống chôm chôm ở Long Khánh. Vì tuy cùng là giống chôm chôm, nhưng những cái DUYÊN như đất đai, khí hậu, công chăm bón v.v… mỗi nơi mỗi khác, nên quả cho ra khác nhau. Nếu khác cả giống, tức nhân cũng khác, thì quả lại càng khác nữa. Vì thế không có một tiêu chuẩn nhất định nào cho việc tu hành, mà chỉ đặt vấn đề ở “mức độ cố gắng nhất của mỗi người”.

Trong phạm vi tu hành, DUYÊN chính là DUYÊN NGHIỆP, là những gì ta đang có do thừa hưởng từ những nghiệp nhân đã gieo trước đây. Như đều là người tại gia, nhưng người thì chật vật về vật chất, người lại dồi dào về tiền bạc. Người thì ngay cả đến phương tiện sinh nhai cũng không phải bận tâm. Người thì khoẻ mạnh, nhưng kẻ lại bịnh hoạn ốm đau triền miên. Người thì học kinh học luận dễ dàng, nhưng kẻ cứ cầm đến kinh, đến luận là đã nhức đầu, buồn ngủ v.v…

Với những duyên như vậy thì dù nhân có giống nhau, chắc chắn quả cũng khó giống nhau, nên không thể ấn định một tiêu chuẩn cụ thể nào cho việc tu hành. Người mà vấn đề kiếm sống nuôi thân không phải bận tâm thì thời giờ tu hành, đọc kinh, học luận, ngồi thiền sẽ thuận tiện hơn người suốt ngày phải đầu tắt mặt tối cho miếng ăn. Người khoẻ mạnh tu hành dễ tinh tấn hơn người nay đau mai yếu. Song có khi vấn đề lại có hướng ngược lại : Dư giả thanh thản quá lại không tu được, vì không có động lực để tu. Còn người quá vất vả khổ sở lại cố gắng tu, vì những nghịch duyên không thuận lòng ấy chính là động lực giúp họ muốn vượt thoát. Đây là nói về duyên bên ngoài.

Nhân bên trong là chủng nhân tu hành của mỗi người đã gieo ở quá khứ. Người nghe một hiểu mười, tu hành tinh tấn, ba năm đã “đốn ngộ”. Người thì đến chùa đã lâu nhưng vẫn không hiểu Thầy đang lẩm nhẩm gì trên bục giảng. Người thì nghịch cảnh thuận duyên đều là trợ duyên cho việc tu hành, vì chủng Bát-nhã đã sâu dày. Người thì nghịch cảnh vượt không được, thuận duyên cũng chết chìm, vì chủng Bát-nhã chưa khai phát ... Tất cả đều do chủng duyên tu hành có từ đời trước, không ai giống ai. Nhân và duyên khác nhau như thế nên phương tiện hành trì sẽ khác nhau, kết quả khó như nhau.

Song nếu cứ căn cứ hết vào duyên, ta lại trở thành kẻ đổ thừa cho hoàn cảnh. Đây là điều tối kỵ, không chỉ trong việc tu hành mà ngay cả những việc ngoài đời, nó là thứ khiến mình giẫm chân tại chỗ. Vì thế phải đặt ra việc cố gắng nhất trong sức của mình. Chư Phật Tổ và các bậc Thiện tri thức cũng vì chỗ này mà nhắc nhở, hối thúc, ép buộc … Có người cho rằng “Mỗi người có sức lực và hoàn cảnh khác nhau làm sao có thể hối thúc? Hối thúc nhắc nhở như thế là bỏ đi mặt tùy duyên của pháp”. Không phải các ngài không rõ mặt tùy duyên của pháp, mà chính vì rõ nó, các ngài mới khuyến cáo, răn nhắc, hối ép chúng ta. Tất cả những gì ta hiện có đây không phải do sự huân tập một ngày một ít từ những kiếp quá khứ sao? Tật xấu cũng như nết tốt đều do tập một ngày một ít mà thành. Thứ gì bước đầu cũng khó khăn, nhưng nếu không một ngày một ít chăm chút cái bước đầu ấy, thì đến khi nào mới có cái dễ dàng sau? Tật xấu mỗi ngày không bỏ đi một ít thì đến khi nào mới thành Phật? Vì vậy phải cố gắng, cố gắng nhất trong những gì mình có thể làm được. Đó là đang gieo cái nhân để gặt cái quả ở tương lai. Cố gắng mà đừng nghĩ đến kết quả. Cố gắng mà tính cả kết quả là rơi vào “ép nhân ép quả”, là bỏ đi mặt nhân duyên của pháp. Đó không phải là cái nhìn và cách sống của đạo Phật. Còn bỏ mặc cho nhân quả mà không cố gắng gieo nhân, ấy là rơi vào thuyết định mệnh của ngoại đạo. Cố gắng hết sức mình mà không nghĩ đến kết quả, đó là nắm vững nhân quả, là cái nhìn của người có trí tuệ.

Việc làm hiện nay không phải chỉ cho kiếp này mà cho những kiếp sau, kiếp sau nữa. Hãy cố gắng hết sức mình mà đừng so đo hơn thua với kết quả của người khác. Chừng đó thôi, bản thân mình đã có sự an lạc, thoải mái và không hối tiếc gì khi xuôi tay nhắm mắt. Đó là vừa đền ơn Thầy Tổ mà vừa không làm mất đi phúc duyên sẵn có của mình. Chủ yếu của vấn đề này là sự thành thật đối với bản thân.

Phá ngã là gì?

PHÁ là từ được dùng khi có sự CHẤP THỦ xuất hiện. Có sự chấp thủ mới nói đến phá. Không chấp thủ thì không phá. CHẤP THỦ nghĩa là ôm giữ, nắm chặt. NGÃ hiểu nôm na là cái TÔI hay TA của mình. Gọi là TA vì thấy có thân, có hơi thở, có sự suy nghĩ, có mong muốn, có cảm giác vui, buồn, đau đớn ... và để xác định thêm cho sự hiện hữu của cái ta này, còn có những cái của ta … Bởi những thứ trên thấy dường như hiện tiền nên ai cũng có khuynh hướng chấp thủ lấy TA và những cái của ta. PHÁ NGÃ chính là phá đi sự chấp thủ đối với cái TA ấy, không phải là phá nát thân này thành cát bụi. Vì thế từ xưa đến nay chư vị Thiện tri thức đều nói đến chữ BUÔNG. Buông tức không chấp thủ.

Vì sao phá ngã là tinh thần tu hành chính của đạo Phật?

Vì mục đích chính của đạo Phật là giải thoát chúng sanh ra khỏi sự khổ đau. Đức Phật nói “Đạo của ta chỉ có một vị là giải thoát”. GIẢI THOÁT nghĩa là không khổ đau, chấm dứt luân hồi sanh tử và cuối cùng là trở về ngộ nhập lại Phật tánh của mình. Song muốn thực hiện các điều trên thì ta phải phá đi sự phân biệt và chấp thủ đối với thân tâm này. Quá trình phá ngã gồm hai giai đoạn:

1. Phá ngã thô, chính là phá đi những thứ đã liệt kê về thân và tâm trên, đạt được trạng thái vô ngã của các vị Nhị thừa.  

2. Phá ngã tế, chính là phá đi sự chấp thủ đối với cảnh giới vô ngã ấy mà thể nhập Phật tánh hay pháp tánh, là trạng thái vô sanh của vạn pháp.

Vì sao muốn hết đau khổ và trở về ngộ nhập lại Phật tánh của mình, lại phá ngã?

Theo cái nhìn của Đại thừa thì thân tâm của một chúng sanh hữu tình chẳng qua chỉ là bóng dáng của dòng tập nghiệp do chính chúng sanh ấy tạo ra mà thôi. Nó là thứ hư vọng không thật có. Chỉ vì, bản tâm thanh tịnh trùm khắp không tự tánh nên không tự giữ, bất giác vọng động mà phân làm cái thấy hư vọng cùng cảnh giới hư vọng. Cảnh giới hư vọng là chỉ cho thân căn và thế giới ta đang có đây. Do không biết tất cả chỉ là hư vọng, lại nương vào đó mà phát huy phân biệt. Một khi đã có sự phân biệt thì niệm niệm tương tục, khởi hoặc tạo nghiệp, khổ đau vô vàn, sanh tử chẳng dứt. Sáu đường địa ngục, ngạ quỉ … từ đó phát sinh.

Chỉ do bất giác rồi hiện cái thấy hư vọng và cảnh giới hư vọng thì chưa xuất hiện khổ đau và luân hồi sanh tử. Mọi thứ chỉ nảy sinh khi có sự phân biệt ta, người v.v… Có ta và người thì có chấp thủ và giành giựt. Bởi chấp thủ mà tạo nghiệp. NGHIỆP là chỉ cho những hành động của thân, khẩu và ý. Những hành động và suy nghĩ nào được lập đi lập lại nhiều lần, trở thành thói quen, sẽ được lưu lại trong tạng thức mà ta thường gọi là chủng tử hay tập khí. Quá trình lập lui lập tới được ghi vào tạng thức ấy gọi là HUÂN. Khi cảnh giới trước của chúng sanh ấy hoại, thói quen nào đủ lực đủ duyên sẽ là nhân để cho ra cái quả thân căn và cảnh giới kế tiếp. Nếu cái nhân là “sân hận tham lam” thì tùy mức độ mà có cái quả là “bần cùng, ngạ quỉ, địa ngục”. Quá trình “cho ra” này gọi là BIẾN. Cái huân và biến này không thể nghĩ bàn, không thể dùng tri thức thường đây mà thấu được. Kinh Lăng Già nói “Cái huân và biến chẳng thể nghĩ bàn này là nhân của hiện thức”. Hiện thức chính là tạng thức, nhưng chỉ nói ở mặt biến hiện ra thân căn và thế giới chúng sanh nên gọi là hiện thức. Cứ mỗi lần BIẾN như thế là chúng sanh lại có một quá trình để HUÂN. Huân rồi lại biến, biến rồi lại huân nên luân hồi sanh tử triền miên bất tận...

Theo quá trình trên, rõ ràng do chấp ngã mà dẫn đến luân hồi sanh tử khổ đau. Muốn hết sanh tử, hết khổ đau thì phải đừng chấp ngã. Nên quá trình tu hành là một quá trình phá ngã. Song phá ngã mà lại trú vào cái vô ngã - là cảnh giới niết bàn của các vị Nhị thừa - thì vẫn chưa về được cội nguồn thanh tịnh của mình. Vì vậy phải phá luôn sự chấp thủ đối với cảnh giới vô ngã ấy. Thành tu mà không phá ngã thì không phải là tu Phật, cũng không bao giờ hết được khổ đau.

Vì sao “biết vọng” là phá thói quen chuyên hướng ra ngoài của mình? “Không theo” là phá thói quen chuyên sanh khởi của mình?

Hướng ra ngoài thấy, nghe v v... rồi phân biệt tốt xấu, khởi niệm liên tục là việc hằng ngày của chúng sanh. Người có công phu là người không để những niệm khởi ấy được liên tục dù là có cảnh hay không cảnh. Ngay khi biết tâm khởi niệm không theo thì không biết cảnh. Biết càng nhiều thì hướng ra ngoài càng ít. Cái gì huân tập nhiều thì thành thói quen, cái gì không được huân tập nữa sẽ hết. Đó là ý nghĩa câu “Biết vọng là phá thói quen chuyên hướng ra ngoài của mình”.

Có cảnh hay không cảnh, tâm vẫn khởi niệm liên tục vì cái khởi ấy đã được huân tập sâu dày. Người có công phu sẽ nhận ra được sự sanh khởi liên tục này. Niệm niệm liên tục, đối duyên liền khởi phân biệt, phân tích, chia chẽ, rồi sinh vui, buồn … đứng ngồi không yên, thích cái này, muốn cái kia v.v… đều là mặt thể hiện của cái sanh khởi ấy. Niệm thì có vui, buồn, yêu, ghét… vô vàn hình thức, nhưng đều từ một động tác sanh khởi này mà hiện hình. Nên nó là một loại tập khí sâu dày nhất trong các loại tập khí mà cũng chính là đầu mối của luân hồi sanh tử. Vì thế không phải nói dừng, nói không theo là có thể dừng, có thể không theo liền được. Cần phải có một quá trình công phu liên tục và dài lâu. Một lần biết có vọng là một lần cắt đứt được sự tương tục của dòng vọng tưởng. Công phu được liên tục như thế tức là ta đang dùng cái KHÔNG THEO phá bỏ cái SANH KHỞI. Cái KHÔNG THEO nhiều chừng nào thì cái SANH KHỞI giảm đi chừng nấy. Đến lúc cái KHÔNG THEO trở thành thói quen thì cái sanh khởi không còn là thói quen. Vì thế nói “Không theo là phá bỏ thói quen chuyên sanh khởi của mình”.

Đây có đề cập đến vấn đề hành cả ngày, một buổi hay 30 phút cho mỗi buổi sáng là thế nào?

Nói đến 30 phút, 1 tiếng, 2 tiếng là nói đến công phu tọa thiền. Nói cả ngày, một buổi là nói công phu trong động. Dù là động hay tịnh đều lấy việc QUÁN TÂM làm chính. Song nói “Không tu được cả ngày thì cũng gắng 30 phút cho mỗi buổi sáng” là đề cập đến việc tu trong tịnh thế nào thì tu trong động thế ấy, chỉ có tâm mà không có cảnh. Miên mật liên tục như vậy, đối với người còn bận việc xã hội không dễ gì mà thực hiện, nên nói “không tu được cả ngày”, không phải là buông tuồng cho tham - sân - si dấy khởi khi đối duyên xúc cảnh.

Khi mới tọa thiền, ta chưa thể biết vọng buông liền được, mà thường phải nương vào một đối tượng nào đó để đánh bạt đi vọng tưởng. Đơn giản và gần gũi nhất là nương vào hơi thở. Có khi còn phải đếm cả số. Nương hơi thở hay đếm số gì cũng chỉ cốt là đưa tâm mình trở về giây phút hiện tại, chính là để làm rõ lại cái BIẾT của mình. Khi công phu, ta sẽ thấy cái BIẾT ấy bị vọng kéo dạt và làm lu mờ thế nào. Khi có thể theo dõi hơi thở rõ ràng, không còn bị những suy nghĩ lan man kéo dạt đi là lúc ta bắt đầu có định tâm. Thở sâu nhưng nhẹ nhàng và tự nhiên giúp tâm ổn định bình tỉnh, thân nhẹ nhàng thoải mái. Vì thế, chú ý đến hơi thở ngay cả những khi không tọa thiền vẫn là điều cần thiết cho người mới tập thiền.

Nếu hơi thở có khó khăn, thân có nặng nề cũng cứ bình tỉnh, tiếp tục công phu. Công phu được liên tục, hơi thở sẽ nhẹ và có khi mất hẵn. Cũng không nên cố gắng duy trì hay chống cái BIẾT lên. Khi công phu thuần thục cái BIẾT sẽ tự rõ ràng sáng suốt. Tọa thiền giấc 3 đến 6 giờ sáng, hơi thở thường nhẹ nhàng đều đặn hơn là giấc trưa hay tối, là những giấc mà sau một ngày dài hoạt động và làm việc, thân phải động nhiều nên tâm khó điều phục hơn. Vì thế giấc sớm ấy được các bậc Cổ đức khuyến cáo là giấc tịnh tâm tốt nhất và sẽ mang lại kết quả rất nhiều cho việc tu hành. Sau một giấc ngủ dài, bụng trống rỗng, thân thể khoẻ mạnh, tinh thần sáng suốt, xếp bằng ngồi yên điều thân và chỉ tập trung vào một đối tượng như thế, công phu tiến triển là lẽ tất nhiên. Nó là nền tảng định tâm cho cả ngày. Không thực hiện được buổi công phu sáng này hoặc để cho cái ngủ dẫn dắt thì quả là phí cho việc tu hành. Công phu muốn tốt, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và kiên trì, nhưng không được mong cầu hay suy nghĩ đến kết quả. Suy nghĩ thì tán tâm, mong cầu thì bất ổn. Càng mong cầu càng không có kết quả.

Việc xoa bóp sau khi tọa thiền là cần thiết, mọi thứ đều phải nhẹ nhàng chậm rãi, không hấp tấp. Không xoa bóp, lại cử động vội vàng ngay sau khi xả thiền là cái nhân bức rức không yên cho những buổi tọa thiền kế tiếp. Xoa bóp xong, ta phải tập thể dục để máu huyết lưu thông, đầu óc thanh thản.        

Thân động nhiều, tâm cũng không ổn. Tâm không định thì thân và miệng cũng lăng xăng. Vì thế khi làm việc hay đi đứng nên từ từ thong thả. Bất đắc dĩ lắm mới quên thân tâm mà chạy theo việc làm. Nếu chú ý đến tâm, nếu làm việc có chánh niệm thì thân tự nhiên khoan thai, chậm rãi, hơi thở cũng điều hòa, việc làm sẽ chu tất, cẩn thận. Làm cho chóng xong hay cẩu thả là thể hiện của một tâm không định tỉnh, thiếu chánh niệm. Chánh niệm là làm việc gì chỉ tập trung vào việc đó. Đang làm mà bị những suy nghĩ khác dẫn dắt thì phải bỏ mà quay về tập trung vào công việc hiện tại. Phải có công phu mới nhận thấy được thân làm mà tâm thì suy nghĩ miên man từ chuyện này đến chuyện khác không hề dừng nghĩ. Tập một thời gian khá dài ta mới thật sự có chánh niệm đối với công việc.

Không có thứ gì đặt chân vào mà làm liền được. Vì vậy, dù phải kéo tâm trở lại vài trăm lần trong một công việc, ta vẫn phải kiên trì. Đừng sợ vọng nhiều. Nhận thấy được nhiều vọng tức cái BIẾT đã có mặt được nhiều. Càng có nhiều cái buông tức là niệm tỉnh sáng của ta càng tăng. Nhiều đến lúc nào đó thì ta sẽ cắt đứt được sự tương tục của dòng vọng niệm. Việc tu hành của ta thực sự bước vào giai đoạn mới. Cũng vẫn là tu, nhưng cái tu bây giờ không như cái tu ngày xưa. Ta sẽ hiểu thật sự thế nào là biết vọng không theo, vì sao gọi những thứ như suy nghĩ, cảm giác là vọng v.v… Chỉ sợ là mình không có dịïp chiêm ngưỡng cái ngắt quãng của dòng vọng niệm mà thôi, bởi mình đã bỏ cuộc trước đó. Hòa thượng luôn nhắc nhở chúng ta phải có tâm trường viễn là vậy. Muốn có tâm trường viễn thì cái gì cũng phải từ từ, không nên phát tâm quá dũng mạnh. Cứ từng bước một, đi bước nào chắc bước đó.

Cư sĩ thì phải đối duyên nhiều. Đối duyên nhiều mà không làm chủ được bản thân thì tạo nghiệp cũng rất nhiều, cuộc sống hiện đời cũng không có an lạc. Niệm sân là niệm thường gặp ở cư sĩ mình nhấtù. Có cái sân thô, có cái sân tế. Nổi giận, hờn mát, hơi buồn buồn vì không vừa lòng đều là những dạng của sân. Vì sao có sân? Vì có sự phân biệt thế này mới đúng, thế này là sai, thế này là thương, thế này là ghét, cái này của tôi, cái này không phải … ấn định rạch ròi như thế cũng chưa có gì thảm hại. Thảm hại là chấp vào đó, rất chặt. Vì thế những gì mình cho là đúng thì cái gì ngược lại phải sai, nổi sân! Ý ta thế này mới phải, cái gì không theo đúng như thế là trái, nổi sân! … Bởi chứa quá nhiều những quan niệm và định kiến nên tâm không thể định. Không định thì không đứng yên mà cứ “chạy trước”. CHẠY TRƯỚC thì cái gì cũng muốn mau muốn lẹ, chậm một chút là nổi khùng : Cần viết một lá thư, cây bút lại không có mực, nổi khùng! Ăn miếng cơm đang ngon bỗng cắn nhằm lưỡi đau điếng, nổi khùng! Không nói mà nó nói mình nói, nổi khùng! … Một lần nổi sân, nổi khùng như thế là một lần mình đang huân vào tạng thức một ít sân và khùng, để những thứ này trở thành bền chắc sâu dày hơn. Nó là cái NHÂN cho ra những cảnh giới xấu trong tương lai. Huân càng nhiều thì khi muốn bỏ lại càng cực.

Tu trong động, là phải TỈNH SÁNG vào những lúc như thế. Việc quan trọng đầu tiên là đừng bao giờ biện minh bao che cho những hành động ấy dù với bất cứ lý do gì. Nếu đã xác định con đường tu hành của mình là trở về ngộ nhập lại bản tâm thanh tịnh, thì niệm tốt hay xấu, niệm đó đúng hay sai … tất cả đều là vọng. Vọng thì phải buông đi hay không theo. Buông được hay chưa không quan trọng bằng BIẾT nó đang xảy ra và BIẾT RÕ mình đã buông được, mình chưa buông được. Chưa thì cố gắng tập từ từ một ngày một ít. Tập hoài thì chắc chắc sẽ được. Còn cứ bào chữa và biện minh rằng “Cần phải như thế, làm thế là đúng” thì càng ngày càng lún sâu. Lún sâu, bởi cứ một lần không dừng được là một lần huân thêm vào. Có những việc thấy thì bình thường tự nhiên, nhưng lại rất tai hại nếu mình không ý thức nó rõ ràng.

Khi công phu thuần thục, chỉ cần biết có niệm thì niệm tự mất. Hoặc niệm không mất nhưng nó không ảnh hưởng gì đến mình nên mình cũng chẳng quan tâm đến nó. Không quan tâm nhưng vẫn rõ ràng tường tận vì vọng là vọng, mình là mình. Cần phân biệt rõ trạng thái này với trạng thái bị vọng lôi mà mất cái biết. Nếu ngay khi biết mà thấy nãy giờ mình bị vọng dẫn, tức là mình chưa đạt được trạng thái “không cần quan tâm” trước. Chưa đạt được thì vẫn phải áp dụng “biết vọng liền buông” để cái biết được thuần thục. Cái biết được thuần thục hiện tiền rồi thì khi ấy vọng mới thực là vọng. Đã thực là vọng thì có gì để quan tâm?

Có lần, tôi tâm sự về sự khó khăn và mệt mỏi trong công phu của mình cho một Ni trẻ nghe. Cô cười “Chi mà cực! mặc kệ nó! Vọng mà, chỉ cần biết là đủ”. Nhưng kinh nghiệm bản thân tôi không cho phép tôi thực hành như vậy. Rõ ràng, biết mà không buông chưa đủ: toàn tâm là vọng. Dù có phải lôi tâm trở về hàng ngàn lần cũng không mệt bằng bị vọng lôi sệt như thế. Tôi không dám tu theo kiểu khoẻ khoắn của Ni và tôi đã không ân hận gì về việc chọn lựa sáng suốt này : Ni ấy sau đó không còn là thiền sinh nữa mà là một giáo sinh trường Phật học. Giờ thì trường Phật học ấy cũng không thể giữ chân Ni được. Ni có những khoảng trời rộng mở thoải mái hơn. Còn tôi, tương lai chưa biết sao, nhưng ít ra giờ này tôi vẫn còn ngồi đây, viết lên những dòng này cho những người bạn đồng môn, đồng duyên với mình.

Cho nên, BIẾT mà không theo thì quả tình chỉ cần BIẾT là đủ. Còn BIẾT mà vẫn ra thành hành động thì chưa gọi là BIẾT. Đó không phải là BIẾT VỌNG. Vì tuy nói BIẾT nhưng thực là KHÔNG BIẾT. Chẳng qua là mình đang bị vọng lừa đó thôi. Đây là cái phải cẩn thận khi ta công phu. Đừng chê chữ BUÔNG ấy như một số vị đã nói. Chê, bởi các vị biết một mà không biết hai. Các vị quên rằng, thực lý chi phối toàn bộ vạn pháp ở thế gian là Duyên Khởi. Duyên khởi là, vì duyên mới có pháp, không có duyên pháp cũng chẳng lập. BUÔNG hay KHÔNG THEO không phải tự dưng xuất hiện mà vì căn cơ của chúng sanh mà lập: Chúng ta hiện nay đang là người còn vướng rất nhiều thứ, đối duyên liền sanh tình, không duyên thì tự sanh sự … Nếu không dùng đến chữ BUÔNG ấy thì không cách gì chấm dứt được sự dính mắc và ngăn bớt dòng vọng tưởng. Vì vậy Hòa thượng dạy “Biết vọng buông đi!”. Việc này cũng như lớp học quá ồn, cần một tiếng hét của giáo viên để lớp học được yên lắng. Lớp học yên rồi thì không cần đến tiếng hét nữa. Cũng vậy, một khi tâm mình hết dính mắc thì không cần buông nữa. Cho nên, dù tiếng hét ấy là tiếng ồn thì trong cái duyên lớp học đang ồn náo, cái hét ấy vẫn là số một, vẫn tối cần thiết. Huống nữa, trong điều kiện đang ồn náo, tiếng hét ấy không phải là tiếng ồn. Nói nó ồn là khi lớp học đã yên mà tiếng hét vẫn còn. Nếu lớp học hết ồn, tiếng hét cũng không thì không thể gọi tiếng hét ấy là tiếng ồn. Trong tâm trạng coi ‘vọng tưởng là thật’ như mình hiện nay thì cái BUÔNG ấy là phương tiện không thể thiếu của mình. Được chỗ tận cùng rồi, tức tâm đã vô trụ thì BUÔNG gì nữa mà nói BUÔNG là trói buộc như một số vị đã lầm? Không nên lầm phương tiện với cứu cánh rồi nghi ngại với công phu của mình. Công phu đi, tâm khai mở từ từ, mình sẽ thấy rõ ràng đường mình đang đi: Đang bị dòng vọng tưởng quấy rầy, đang bị sự dính mắc với ngoại cảnh làm cho khổ sở mà buông được thì nhẹ nhàng giải thoát biết chừng nào, sao nói là trói buộc? Chẳng qua người ta không thực hành mà cứ luận suông trên ngôn từ nên mới ra cớ sự đó. Nghe người chê rồi mình cũng mất niềm tin không dám BUÔNG thì muôn đời chúng sanh vẫn hoàn chúng sanh. Có tu đâu mà làm thánh?

Cũng đừng có ý nghĩ tu mà tính đến chuyện khoẻ khoắn, không gò bó, không khó khăn. Đừng nghĩ rằng đến với thiền là đến với một pháp môn tự do, phóng khoáng, không trói buộc. Đúng là thiền rất tự do, phóng khoáng, không trói buộc. Bởi thiền khách là những vị đã tự tại ung dung không chấp trước vào bất cứ thứ gì. Ác không vướng mà thiện cũng không mang. Vì thoát hết những định kiến cố chấp ấy nên cái gì vì lợi ích cho chúng sanh thì các ngài làm, chẳng thấy đó là thiện hay ác. Nhưng mình thì đụng đâu cũng vướng. Vướng thì địa ngục và niết bàn không thể như nhau. Thành phải cố gắng tu tập, phải gò mình, phải chịu cực. Tiêu được thứ gì thì tự tại ung dung thứ ấy. Thứ gì chưa tiêu được thì phải biết mà tu tỉnh, đừng lầm với chính mình, đừng để vọng gạt mình.    

Khi công phu chưa đủ, lắm lúc biết là bậy đó mà vẫn không buông liền được. Trường hợp này, việc đầu tiên là phải cố dừng cho được dù bất cứ giá nào. Dừng rồi phải dùng đến quán. DỪNG là để chận đứng thói quen sanh khởi của mình. QUÁN là dùng trí tuệ để giải đi áp lực của cái dừng ấy. Bởi nếu dừng mà không quán là ta đang sử dụng chiêu bài ĐÈ NÉN. Đè hoài thì cũng nén được đó, nhưng một ngày đẹp trời nào đó nó sẽ vỡ tung thiêu rụi tất cả. Bởi ta là cư sĩ, không phải là các vị tu hoàn toàn trong tịnh.

QUÁN là cái rất cần thiết đối với cư sĩ mình. Quán cũng là một dạng suy nghĩ, vọng tưởng nhưng là thứ vọng tưởng khả dĩ chấp nhận được khi mình còn đang bịnh. Như người ta nói oan cho mình. Việc đó làm mình bực bội khó chịu không yên. Cái bực bội ấy là vọng tưởng. Người có công phu thuần thục, chỉ cần thấy được niệm bực ấy khi nó khởi lên trong lòng, niệm bực ấy tự mất, tâm trở lại bình thản nhẹ nhàng ngay. Nhưng nếu công phu chưa thuần thục thì hoặc là mình khuyếch trương cho niệm bực ấy mạnh ra, hoặc là thấy rồi nhưng không thể dừng nó được. Lúc này cần phải sử dụng đến pháp quán để làm tan loãng cái bực ấy. Khi mình khởi lên ý tưởng “Chẳng qua kiếp trước mình đã gây ra cho người ta cái gì đó, thành kiếp này người ta mới làm vậy với mình” hoặc khởi lên ý tưởng “Ôi! Thế gian này sống chết chưa biết chừng, để ý làm gì những việc ấy” … thì những khởi nghĩ như vậy gọi là QUÁN.

Phật dạy rất nhiều về những pháp quán : Thấy thân vô thường, quán pháp như huyễn để không đắm trước các pháp. Quán từ bi để hạ cơn sân v.v… Loại quán mình vừa mới ví dụ trên gọi là quán nhân quả và quán vô thường. Tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà ta áp dụng phép quán, miễn là đánh tan được những dồn nén áp lực mà mình đang mắc phải. Tan được là ta uống đúng thuốc. Quán chỉ là một phương thuốc để trị bịnh, nên hết bịnh thì bỏ thuốc.

Chị bạn tôi, tuy đang là người còn bận rộn với công việc ngoài xã hội và gia đình, nhưng thời gian còn lại đều dành hết cho kinh sách của Hòa thượng và tọa thiền mỗi tối. Dù chồng và con không can dự vào việc kinh kệ tọa thiền của chị, nhưng họ lại là những người không biết gì về đạo. Nhà lại nhỏ, vì thế mỗi khi chị tọa thiền thì tivi, nhạc … tất cả chị phải lãnh tất. Chị cố dằn, một ngày, hai ngày ... mỗi lần cơn bực bội trào lên, chị áp dụng biết nó là vọng buông đi. Cứ trồi lên chị lại buông đi. Kết quả, giờ tọa thiền mỗi tối của chị không phải là để yên tịnh mà là để đấu tranh với cơn uất giận ngày càng mạnh của mình. Chị đem điều ấy nói với tôi.

Tôi cố giúp chị trong phạm vi những gì mình biết “Chị không buông được vì công phu của mình chưa thuần thục đến độ chỉ cần biết được nó là nó tan. Giác mà vọng tan là vì cái vọng ấy không còn là tập khí nữa. Giác mà còn hoài là vì đối với mình nó chưa phải là vọng, nó còn cái gốc tập khí bên trong. Buông như vậy tuy là áp dụng rất đúng pháp Hòa thượng dạy, nhưng chỉ mới một phần, mình còn thiếu cái QUÁN. Hòa thượng và Thầy nhắc nhở đến vấn đề QUÁN này rất nhiều khi cái BIẾT của mình chưa đủ lực, khi tập khí mình còn nặng. Mình không phải là người tu hoàn toàn trong tịnh mà lại tiếp duyên liên tục. Dừng ngang không QUÁN như thế chỉ có thể áp dụng và có kết quả đối với người có hoàn cảnh tịnh mà thôi. Nếu mình tu theo kiểu ấy, khác gì thấy nước chảy thì vội bít. Bít mà không tìm cách tháo bớt đi lượng nước bị bít đó, thành áp lực nước ngày càng tăng. Tăng quá thì nổ”.

Chị gật đầu đồng ý “Đôi lần chị có quán từ bi nhưng không ăn thua gì hết. Đã bực, còn thêm một mớ vọng, thành thôi không quán nữa”.

Tôi kê đơn hy vọng trúng bịnh “Ngoài đời, bận bịu công việc xã hội rồi gia đình con cái mà mình vẫn chịu khó học, chịu khó hành là điều không mấy ai làm được, chị công nhận không?”. Chị cười, chị luôn có nụ cười dễ thương như thế. Đến lượt tôi cười “Nhưng chị có thấy là so với thế gian việc làm ấy là cái ngược đời không? Buổi tối là lúc người ta nghỉ ngơi, quây quần, giải trí... mình lại đi tọa thiền. Đi ngược lại với sinh hoạt của người ta nhưng lại bắt người ta tuân thủ theo mình, chị thấy mình lỗi hay người ta lỗi”.

Có cái gì đó hơi chưng hửng trên khuôn mặt trăng rằm của chị, rồi nhẹ nhàng thoát ra, tan loãng vào nụ cười. Khi đã công nhận mình quấy thì không ai có gan để bực mình hay đòi hỏi gì ở người khác nữa. Từ đó ti vi, âm nhạc gì cũng chẳng ảnh hưởng đến chị, không phải là chị hòa mình trở lại với những thứ “không ngược đời” đó, mà vì ngã tướng đối với những thứ đó không còn, nên cái lùng bùng bên trong cũng chẳng có để phải “biết mà buông” nữa. Tùy duyên mà bất biến như thế thì đời cư sĩ của mình mới có giá trị và thú vị. Khó khăn bao nhiêu rồi cũng hứng chí đi tiếp, lo gì mà không đến bờ kia.

Phần lời nguyện có đề cập đến vấn đề ăn chay. Hòa thượng Trúc Lâm cũng như quí Thầy nói không ăn chay vẫn tu được, vì sao còn đặt vấn đề ăn chay?

Không ăn chay vẫn tu được không có nghĩa là khuyến khích vấn đề ăn mặn. Nếu ăn mặn mà không hề hấn gì đến việc tu hành, vì sao chư tăng của Hòa thượng người nào cũng ăn chay?

Hòa thượng nói không ăn chay vẫn tu được, bởi Ngài sợ mình HẸN, sợ mình ĐỢI: Phải ăn chay rồi mình mới chịu tu. Vậy thì biết đến khi nào mình mới tu? Không tu thì biết đến khi nào mình mới hết ăn mặn? Nhớ lúc tôi 14 - 15 tuổi gì đó, thấy người khác ăn chay tôi cũng rất muốn ăn chay. Vì sao muốn thì không biết, chỉ biết là muốn ăn chay. Nhưng không bao giờ tôi ăn được quá 15 ngày, không phải vì thèm mà vì bịnh. Một lần tôi quyết tâm làm luôn 3 tháng. Ba tháng thì có đạt chỉ tiêu, nhưng người thì như tàu lá chuối non, yểu điệu đào tơ như cành dương trước gió, coi bộ chỉ còn chút hơi tàn để cầm cự cho qua ngày. Không hiểu chị bếp nhà tôi lúc đó vì quên hay cố ý, đã cho ngay một thìa nước mắm vào tô canh bí đao. Tôi gom chút tàn hơi húp tô canh ấy. Không thuốc không men mà thần lạ diệu kỳ, tôi khoẻ ngay tức thì. Tôi vênh váo “Thấy chưa, nó đầu hàng em rồi!”. “Đầu hàng cái mốc xì! Nãy tao bỏ lộn thìa nước mắm vô đó, không lý đem đổ hết tô canh”... Té ra cái nghiệp ăn uống của mình nó đa đoan nặng nề không thể tả. Tôi không nghĩ đến chuyện ăn chay nữa. Nhưng ý muốn ăn chay vẫn ngấm ngầm trong người. Tôi khấn chư Phật “Con mong sau này mình sẽ ăn chay được”.

Lớn lên, lập gia đình, bận bịu với đủ thứ công chuyện, việc ăn chay bị lãng quên. Sau những thăng trầm của cuộc đời, tôi bắt đầu hướng về Phật pháp. Khi đọc quyển PHÁP BẢO ĐÀN KINH của Hòa thượng giảng giải, tôi phát tâm tu hành. Chẳng phải vì tôi thâm nhập được yếu chỉ Thiền tông. Hiểu gì đâu mà thâm nhập. Chỉ là vì Tổ nói người tại gia tu được. Tổ còn nhấn mạnh mình có cái tâm Ma Ha mà nếu sống được với nó, dù ở bất cứ đâu, mình cũng không khổ nữa. Chừng đó là đủ để tôi phát tâm. Gì chứ khổ thì tôi kinh nghiệm quá tràn trề. Điều làm tôi khổ nhất là tôi đã mất đi phương hướng sống của mình. Đó là lúc tôi nhận ra rằng: Trong hạnh phúc, may mắn, vừa lòng… có cái mầm của họa hoạn, đau khổ. Trong cái họa hoạn đau khổ lại có cái mầm may mắn, hạnh phúc. Vậy thì nương vào cái gì mà sống để không buồn phiền, lo âu, thắt thỏm? Sống chết, danh vọng, tiền tài... muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, mình có làm gì được. Vậy cái gì ở cuộc đời này thật sự mang lại hạnh phúc cho mình? Vì thế vớ được cái phao Ma Ha ấy, tôi đã lựa ngay con đường tương lai cho mình không chút do dự. Hành thiền một thời gian, tôi bắt đầu nghĩ đến việc ăn chay. Như một phép lạ, việc đó không có gì khó khăn nữa. Hình như khi tâm được khai mở thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng.      

Nếu ngày đó Hòa thượng và Thầy không nói “Ăn mặn vẫn tu được” thì không hiểu bây giờ cuộc đời tôi thế nào, đã trôi dạt về đâu?

Bởi hoàn cảnh và nghiệp tập của mỗi người mỗi khác, tập khí nặng nhẹ cũng không như nhau, nên Hòa thượng phải phương tiện để mình tu hành. Thật tình mà nói, khi mới bước chân vào đạo, dù không ăn chay ta vẫn có thể dừng được tham - sân - si nhờ Chỉ và Quán. Dừng bớt tham - sân - si chính là tu. Tham - sân - si bớt rồi, trí tuệ phát triển, ta sẽ thấy việc ăn chay là cần thiết cho vấn đề tu hành. Khi thấy cần thiết ta sẽ cố gắng. Cố gắng thì không được cũng phải được, không xong kiếp này, kiếp sau, kiếp sau nữa cũng phải xong. Vì thế “Ăn mặn vẫn tu được” chỉ là phương tiện tạm thời Hòa thượng đưa ra để khuyến khích chúng ta trong một giai đoạn nào thôi. Đó không phải là chân lý để ta ôm ấp đến tận đời và sang cả những kiếp sau. Có điều kiện để ăn chay và ăn chay được, ta vẫn phải cố gắng. Tu hành thế nào thì cuối cùng TRÍ và BI cũng phải tròn đầy mới thể nhập được tâm thanh tịnh tròn sáng. Muốn BI tròn đầy mà không ngừng sát hại muôn vật để cung phụng cho thân mình thì như kinh đã nói… “Việc ấy là không có”.

Còn trói buộc vào vấn đề chay hay mặn đều là hình thức của tập nghiệp. Ăn mặn mà ăn chay không được bởi còn bị nghiệp ăn mặn lôi kéo. Ăn chay được mà không ăn mặn được bởi còn bị tập ăn chay lôi kéo. Mặn chay tự tại thì mới thật sự là giải thoát. Bậc đạo nhân thì không bị việc chay mặn ràng buộc. Khi việc ăn mặn là cần thiết cho vấn đề giáo hóa lợi ích chúng sanh thì các vị sẵn sàng ăn mặn. Nhưng bình thường thì các vị lấy chay làm trọng, vì ăn mặn là lấy sinh mạng của chúng sanh mà cung phụng mạng sống của mình. Đó là điều kiêng kị!

Cho nên, một mình một chốn đơn côi, không vì lợi ích của ai, cũng không vì giáo hóa người nào, mà miệng ta cứ xực lia xực lịa đồ mặn rồi nghĩ là mình đã tự tại, đã sống được với bản tâm thanh tịnh tròn sáng thì coi chừng! Có người cho là mình đang phá chấp. Nhưng thời gian vài ngày là đủ để biết còn chấp hay không, không cần phải kéo dài từ tháng này qua năm kia. Kéo dài dài như thế thì chắc chắn là đã bị ma vọng tưởng dẫn. Không có kẻ lừa đảo nào đáng sợ bằng chính anh vọng tưởng nhà mình.

Phân tích như thế là để ta nắm rõ vấn đề, không phải vì tôi đã ăn chay mà đả kích việc ăn mặn. Ăn chay kiểu đó thì đồ chay ấy toàn là rác rưởi, rơi vào tội đại ngã mạn, đọa địa ngục như tên bắn.

Ăn chay được hay chưa KHÔNG QUAN TRỌNG BẰNG mình nắm được vấn đề cho rõ ràng, cũng KHÔNG QUAN TRỌNG BẰNG mình phải biết tường tận rõ ràng con người mình đối với vấn đề ấy thế nào. Mỗi người đều có nghiệp duyên riêng, làm chưa được cũng không có gì xấu hổ để phải biện minh cho vấn đề ấy. Tuy ăn chay là cần thiết cho vấn đề tu hành nhưng mình chưa ăn chay được vì mình vẫn còn thèm ăn mặn thì cũng được chứ sao. Có thế nào biết đúng thế ấy là tốt! Biết đúng, ta mới có phương hướng rõ rệt cho vấn đề tu hành của mình. Thèm, bởi thói quen quá mạnh. Như mình nghiện thuốc lá vậy, chẳng qua vì hút quen rồi, thiếu nó mình thấy người không có sức, chân tay thừa thải, miệng mồm nhạt thếch. Do thói quen thì mình sẽ tập lại từ từ. Thay vì một tháng ăn hai ngày, mình ăn lên ba ngày, tháng sau ăn thành 4 ngày, tháng sau ăn thành 5 ngày… Khó nữa thì hai tháng, ba tháng, bốn tháng lên một lần. Ăn chay mà vẫn phải hoạt động đầu óc chân tay nhiều thì phải uống thêm sữa, sữa đậu nành, sữa bò v.v… Sữa bò, kinh Lăng Nghiêm cũng cấm đối với người tu. Mình biết đúng như thế! Và cũng biết đó là sự hạn chế hiện thời của mình, không có nó mình không đủ sức làm việc để trả nợ đời, nợ gia đình và ngay chính bản thân mình nữa, thành mình tạm xài nó. Biết đúng như thế rồi yên tâm làm việc và tu học. Đừng bao giờ biện minh bằng cách bẻ quẹo kinh luận, hoặc không muốn nghe cũng không muốn hiểu những gì mình làm chưa được. BIẾT ĐÚNG NHƯ CHÍNH NÓ là một trong các yếu tố khiến việc tu hành của mình thành công.

Biết mọi thứ từ thói quen mà ra thì cứ từ thói quen mà phá. Đừng phát tâm quá dũng mạnh, làm gì làm cái rụp. Làm thế đến khi bị sự phản kháng của nghiệp tập, mình lại dội và không dám làm tiếp. Thường việc gì phát tâm lẹ quá thì việc ấy cũng tàn lụi sớm lắm. Đây là điều mình cần lưu ý. Chậm mà chắc là tốt. Nhưng chậm mau gì cũng phải có đi, vì cái bịnh của chúng ta là dễ thỏa hiệp, dễ đổ thừa… Cái lạ là, không phải mình chỉ biện minh với người mà là biện minh với ngay chính mình đây. Thành tới chùa 10 năm 20 năm rồi cũng chừng đó, không tìm thấy được khoảng trời rộng mở trong công phu mà cũng không tìm thấy được sự thích thú đối với kinh luận thì niệm chán nản thối lui sẽ xuất hiện. Mọi thứ sẽ rất buồn.

 

Theo chanhientam.net

Đạo phật với đời sống

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89079
  • Online: 47