Ý chỉ giáo ngoại biệt truyền

17/04/2017 | Lượt xem: 3975

TT.Thích Thông Phương

Nói “GIÁO NGOẠI BIỆT TRUYỀN” tức “TRUYỀN RIÊNG NGOÀI KINH GIÁO”, vậy quả có một pháp thật ngoài kinh giáo để truyền riêng hay không? Đây là điểm cần thấu rõ, không khéo dễ đưa đến hiểu lầm, rồi trở thành hiểu méo mó, lệch lạc rất nguy hiểm.

 Bởi Thiền tông vốn đề cao “giáo ngoại biệt truyền” nên có lúc bị hiểu lầm là quái thai của Phật giáo, là sản phẩm của Trung Hoa, do các Thiền sư Trung Hoa mới tạo ra sau này. Song, nếu hoàn toàn như vậy thì đó là pháp tạo tác, là cái mới có, thời Phật không có, thế là nó thuộc về pháp sanh diệt rồi, có gì đặc biệt?

Hơn nữa, nói “truyền riêng ngoài kinh giáo”, rồi cho rằng có một cái gì đó đặc biệt để truyền riêng thì chính cái thấy đó đã đi quá xa với Thiền tông mà không hay! Vì đó là thấy ngoài tâm có pháp, và tưởng tượng thành có trao, có nhận, tức dễ bị lừa gạt. Đồng thời, có cái thấy đó là có tâm lấy bỏ, bỏ kinh lấy thiền, vẫn y nguyên rơi vào trong đối đãi, đâu thể đạt ý Tổ. Chính đây là một ý nghĩa rất sâu xa, người đứng ngoài cửa Tổ không dễ gì lý luận đến được.

Thực ra, nói “ngoài giáo”, nói “truyền riêng”, nhưng “ý” đó đã nằm sẵn trong kinh, không phải là cái mới đặt ra, chẳng qua người dùng tâm suy nghĩ khó nhận thấy, kẻ dùng thức tình phân biệt khó khám phá.

* Trước hết, dẫn kinh để chứng minh cho mọi người thấy rõ:

- KINH KIM CANG: Phần mở đầu: “Tôi nghe như vầy, một thuở nọ, Phật ở vườn ông Cấp Cô Độc, rừng Kỳ-đà, nước Xá-vệ, cùng chung với chúng đại Tỳ-kheo 1250 người. Bấy giờ Thế Tôn đến giờ ăn, Ngài đắp y, ôm bát đi vào thành lớn Xá-vệ khất thực. Ở trong thành ấy theo thứ lớp khất thực rồi, Ngài trở về chỗ mình, thọ thực xong thu xếp y bát, rửa chân và trải tòa mà ngồi.

Lúc đó Trưởng lão Tu-bồ-đề ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, quỳ gối phải, chắp tay cung kính bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thật ít có! Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát”.

Qua đoạn kinh này chúng ta thấy có gì lạ? Chính “ý giáo ngoại” đã nằm sẵn trong đó mà mấy ai thấy được? Kìa, rõ ràng trong đây Phật chưa nói câu nào, Ngài chỉ đi khất thực, về thọ trai, rồi thu xếp y bát, trải tòa ngồi, chưa từng mở miệng. Vậy Trưởng lão Tu-bồ-đề tán thán là: “Ít có, là Như Lai khéo hộ niệm, khéo phó chúc các vị Bồ-tát”, thì ít có ở chỗ nào? Hộ niệm, phó chúc ở đâu? Như vậy, trong đây Trưởng lão Tu-bồ-đề đã thấy cái gì mà tán thán như thế? Đây là chỗ rất sâu kín nên Trưởng lão mới nói là “khéo”, tức không thể nhìn hời hợt được. Bởi Như Lai là bậc đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là lúc nào Ngài cũng sống trong ánh sáng Chánh giác đó không có gián đoạn, không có thiếu vắng. Nếu có gián đoạn, thiếu vắng thì không thể gọi là Như Lai phải không? Vậy thì, ngay trong chỗ Thế Tôn đi khất thực, thọ trai, thu xếp y bát, trải tòa ngồi…, hẳn là ánh sáng Như Lai hay ánh sáng Kim Cang Bát Nhã vẫn ngầm hiển lộ trong đó chứ gì. Nghĩa là, trong chỗ sống hằng ngày của Thế Tôn, ánh sáng Như Lai luôn sáng ngời! Chính đây là chỗ Như Lai thầm hộ niệm, thầm phó chúc cho các Bồ-tát đó! Tức là Bồ-tát phải luôn luôn NHỚ SỐNG trong ánh sáng đó không để cho gián đoạn. Phật pháp sở dĩ còn mãi ở thế gian cũng chính từ đây. Sức sống chân thật của Phật đạo cũng gốc ở chỗ này. Song chỗ này ngôn ngữ làm sao nói đến được? Hai tròng mắt này làm sao nhìn thấu đến được? Trưởng lão Tu-bồ-đề đã thầm thấy được chỗ đó nên mới khen là: “Ít có!”, bởi thật không dễ gì thấy được! Hơn nữa, Phật cũng chưa nói ra lời gì, vậy nó nằm ở Kinh nào? Ở Giáo nào? Không phải ý “giáo ngoại” đã nằm sẵn trong đó hay sao, còn nghi ngờ gì nữa?

- KINH TẠP A-HÀM: trong đây có bài kinh nói về Đức Phật ở tại nhà Phước Đức, nơi rừng Trúc thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà, Ngài nghỉ đêm tại đây. Rồi Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các thầy nên cùng Ta đi đến rừng Thân Thứ.

Thế Tôn bèn cùng đại chúng đi đến rừng Thân Thứ, ngồi nơi gốc cây. Lúc đó Thế Tôn nắm một nắm lá trong tay, đưa lên hỏi các thầy Tỳ-kheo:

- Lá cây trong tay này nhiều hay lá cây trong rừng nhiều?

Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Lá cây trong tay Phật rất ít, còn lá cây trong rừng nhiều vô lượng gấp trăm ngàn muôn ức lần, cho đến tính toán thí dụ cũng không thể so sánh.

Phật bảo:

- Này các thầy Tỳ-kheo! Ta thành Chánh đẳng Chánh giác, những pháp do Ta tự thấy mà vì người giảng nói, chỉ ít như lá cây trong tay. Vì sao? Vì pháp ấy có ích lợi về nghĩa, về pháp. Về phạm hạnh và minh tuệ chánh giác, thẳng đến Niết-bàn. Như lá cây trong rừng, cũng như vậy, chánh pháp Ta tự tri khi thành đẳng Chánh giác mà Ta không nói ra, cũng lại như thế. Vì sao? Vì pháp ấy không có lợi ích về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh và minh tuệ chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế chưa được hiện quán nên siêng năng phương tiện, khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.

(Tạp A-hàm tập II, bài kinh 404)

Đây là một bài kinh thuộc hệ Nguyên thủy, đọc kỹ cho chúng ta thấy điều gì? Rõ ràng ý Phật nói, bao nhiêu kinh điển Phật nói ra, gồm cả Tam tạng cũng chỉ là nắm lá trong tay thôi chứ gì! Tất cả giáo lý được ghi chép lại, cũng ghi chép cái gì? Chỉ là nắm lá trong tay! Còn cả rừng lá kia thì làm sao ghi chép hết? Điều đó Phật bảo là Ngài chưa nói mà! Vậy chúng ta có thể hài lòng với chút nắm lá đây sao? Dù chúng ta có học hết Tam tạng giáo điển, cũng chỉ là học nắm lá trong tay Phật thôi. Đó là Phật muốn nói điều gì? Chính là Phật muốn ngầm nhắc, chúng ta phải học suốt qua kinh điển, suốt qua văn tự chữ nghĩa, phải thực hiện một cái nhảy, nhảy qua những khuôn khổ chết đó, mới thực hiểu được Ngài! Đây rõ ràng là “ý giáo ngoại” đã nằm sẵn trong kinh ngay từ buổi đầu, và chính kim khẩu Phật đã xác định điều đó!

- KINH TƯƠNG ƯNG BỘ: trong đây có bài kinh CÓ PHÁP MÔN NÀO, Phật từng bảo:

“- Ở đây, này các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc hoặc nội tâm ta có tham… sân, si, Biết rõ “nội tâm ta có tham… sân, si” hoặc nội tâm không có tham… sân, si, Biết rõ “nội tâm ta không có tham… sân, si”. Này các Tỳ-kheo! Khi mắt thấy sắc hoặc nội tâm có tham… sân si, Biết có tham… sân si; nội tâm không có tham… sân si, Biết không có tham… sân si (tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy). Này các Tỳ-kheo! Biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy, có phải chúng là những pháp do lòng tin được hiểu biết, hay do ưa thích được hiểu biết, hay do lắng nghe được hiểu biết, hay do suy tư về phương pháp được hiểu biết, hay do kham nhẫn được hiểu biết, hay do thích thú biện luận được hiểu biết?

- Thưa không, bạch Thế Tôn!

- Có phải các pháp này, do thấy chúng với trí tuệ nên được hiểu biết?

- Thưa phải, bạch Thế Tôn!

Phật xác định:

- Đây chính là pháp môn, này các Tỳ-kheo! Do pháp môn này, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp, ngoài kham nhẫn thích thú, biện luận, có thể XÁC CHỨNG VỚI CHÁNH TRÍ, vị ấy Biết rõ sanh tử đã tận, việc làm đã xong… Không còn sanh lại đời nào khác nữa”.

Như vậy, trong đây Phật đã xác định rõ: “Cái Biết trong nội tâm mình có tham sân si, không tham sân si, CÁI BIẾT đó, không thuộc trong suy tư, biện luận, ngoài lòng tin, ngoài lắng nghe, chỉ có thể XÁC CHỨNG VỚI CHÁNH TRÍ.” Vậy cái Biết đó nằm trong bộ Kinh nào? Sách vở nào ghi chép được cái Biết này? Nhưng nó có hay không? Phật đã xác nhận rõ ràng: “có thể xác chứng với chánh trí” tức là mở sáng mắt đạo liền thấy rõ, chớ không phải là điều mơ hồ, chỉ có trên lý thuyết.

Giờ đây, nếu sáng tạo một chút thì nói: có vọng Biết có vọng, không vọng Biết không vọng; hay có niệm Biết có niệm, không niệm Biết không niệm, thì cái Biết có niệm, không niệm đó là gì? Đâu phải cố định khư khư chấp phải là tên tham sân si mới được? Chủ yếu là “CÁI BIẾT KIA”. Nếu khăng khăng chấp cứng cái tên tham sân si đó thì cũng chết trên nắm lá trong tay thôi, làm sao cảm thông được lá trong rừng kia!

Điểm qua trên đây, cho chúng ta thấy rõ “ý giáo ngoại biệt truyền” đã có sẵn trong kinh từ hệ Nguyên thủy cho đến hệ Phát triển rồi. Ý này không phải là cái gì xa lạ, mới bày đặt ra sau này, chỉ vì người học chưa học thấu qua chữ nghĩa nên đành để ngôn từ che lấp, khó thấy.

* Đến trong nhà Thiền thì ý này càng được ứng dụng một cách linh diệu tuyệt vời. Chính từ đó nó làm nổi bật Thiền tông có một nét đặc thù, có một sức sống vươn lên, không đi theo lối mòn dấu cũ, không kẹt trong hình thức khuôn mẫu chết. Như chuyện ông Bùi Hưu trỏ hình vẽ cao tăng trên vách chùa hỏi Ngài Hoàng Bá:

- Hình ở đây, còn cao tăng ở đâu?

Hoàng Bá gọi:

- Bùi Hưu!

Bùi Hưu ứng:

- Dạ!

Hoàng Bá bảo:

- Ở đâu?

Ngay lúc đó ông liền nhận ra cao tăng sống. Ban đầu ông cứ lo đuổi theo hình vẽ, đuổi theo bên ngoài nên mong muốn tìm thấy chỗ chỉ. Qua tiếng “Gọi, Dạ”, Hoàng Bá đánh thẳng vào cái thực tại đang hiện hữu bằng cách nhấn mạnh “ở đâu?”, liền đó cao tăng lộ bày sờ sờ. Như vậy cái “BIẾT DẠ” đó nó nằm trong bộ kinh nào? Ai có thể ghi chép cái Biết Dạ này? Dù máy móc điện tử siêu thế mấy cũng chỉ ghi được tiếng Dạ thôi, còn cái Biết Dạ làm sao ghi? Đó là “truyền riêng ngoài giáo” đấy!

Đoạn nhân duyên thứ hai là Mã Tổ cùng Hoài Hải dạo núi thấy bầy le le bay trên trời, Mã Tổ lấy tay trỏ bầy le le hỏi:

- Là cái gì?

Hoài Hải đáp:

- Bầy le le.

Đợi bầy le le bay qua, Mã Tổ hỏi tiếp:

- Bay đi đâu?

Hoài Hải thưa:

- Bay qua mất rồi.

Mã Tổ liền thuận tay nhéo mạnh lỗ mũi Hoài Hải thật đau. Sư đau quá la lên, Mã Tổ bảo:

- Sao không nói bay qua mất đi?

Sư liền đại ngộ, vốn chẳng mất đi đâu. Vậy thì cái “BIẾT KÊU ĐAU” đó nó nằm ở bộ kinh nào? Sách vở nào ghi chép được nó? Chính ngay đây Hoài Hải ngộ được: tánh chân thật vốn sẵn nơi mình từ thuở nào. Truyền ngoài kinh giáo là đó! Chính đó mới là sức sống chân thật, là nguồn sáng vĩnh viễn không bao giờ mất. Ở đây, Thiền sư không lý luận dài dòng, không giải thích danh từ loanh quanh mà muốn khơi dậy cái THỰC TẠI ĐANG SỐNG SÁNG NGỜI, nhưng người người tự bỏ quên. Vì bỏ quên cái này mà đi vào sáu trần, trôi lăn trong sanh tử, lang thang khắp nẻo luân hồi, càng đi càng xa. Giờ đây NHỚ LẠI là xong. Chỗ này moi móc trong chữ nghĩa làm gì có?

Tổ Lâm Tế từng bảo: “Người học thời nay không nhận được, là bởi bám vào chữ nghĩa làm hiểu biết, ghi chép những lời của mấy lão già vào trong một cuốn sổ to, bọc kỹ lại năm ba lớp không để cho người khác thấy, nói đó là huyền chỉ, giữ làm như của quý. Bọn mù! Các ông nhằm trên khúc xương khô tìm sao ra nước?”. Đó là Tổ Lâm Tế đánh mạnh vào những đầu óc học đạo quen sống trong khuôn khổ chết, hoặc giam mình trong đống chữ nghĩa cũ mòn mà quên mất “người đang phóng quang nhìn đây!” Chính người này đang soi sáng cả đống chữ nghĩa kia mà ít ai nhớ đến. Thấy lại chỗ này mới thấy nguồn sống chân thật. Chúng ta học Phật là phải học cái sống đó. Thiền nhấn mạnh “truyền riêng ngoài kinh giáo”, là nhằm đánh thức người trở về với sức sống này. Vì vậy nói “truyền riêng” mà sự thật không có cái gì khác để truyền, chỉ là nhắc người nhớ lại sức sống sẵn có nơi chính mình, thôi chạy tìm kiếm bên ngoài. Phật Thích Ca thành đạo khi sao Mai mọc, là thành đạo trong chỗ này, không phải ở đâu khác. Tam tạng giáo điển cũng từ trong sức sống này mà tuôn ra. Chúng ta hãy lắng nghe đoạn nhân duyên này sẽ thấy rõ thêm:

Một hôm, Thiền sư Hành Tư hỏi Hy Thiên:

- Có người nói Lãnh Nam có tin tức.

Hy Thiên thưa:

- Có người chẳng nói Lãnh Nam có tin tức.

Thiền sư Hành Tư hỏi:

- Nếu thế ấy thì Đại tạng, Tiểu tạng từ đâu mà ra?

Hy Thiên thưa:

- Thảy từ trong ấy mà ra.

Thiền sư Hành Tư gật đầu.

“Lãnh Nam” tức chỗ Lục Tổ. “Có tin tức” là có việc lớn ấy. Đây là gạn xem Hy Thiên còn kẹt cái Hiểu từ bên ngoài chăng? Sư đã thấy rõ nên đáp: “Có người chẳng nói Lãnh Nam có tin tức” là ngầm Sư tự nhận nơi mình, chẳng kẹt nơi người. Thiền sư Hành Tư gạn lại thêm: “Vậy thì tam tạng của Đại thừa, tam tạng của Tiểu thừa từ đâu mà có ra?” Không nhận tin tức từ bên ngoài thì tam tạng kinh điển đó từ đâu ra, bỏ hết hay sao? Sư đã nhận rõ đâu còn lầm nữa, nên đáp ngay: “Thảy từ trong ấy mà ra”, không thể tìm nơi nào khác. Nếu rời trong ấy mà có là thuộc văn tự chữ nghĩa, thuộc suy lý tưởng tượng không phải thật. Người học Phật nên nhớ kỹ điểm này!

* Đạt ý quên lời: Với ý nghĩa “giáo ngoại biệt truyền” đó, Thiền nhấn mạnh người học phải “đạt ý quên lời”, không thể bám chết trên ngôn ngữ. Tại sao? Vì ngôn ngữ luôn có giới hạn và dẫn khởi tâm thức đi vào con đường suy nghĩ đối đãi. Nhất là nó lừa con người vào cuộc sống khái niệm, quay lưng với thực tại hiện tiền. Do đó người tham thiền phải thấu qua ngôn ngữ, nghe “nói” ở đây, phải thấy “ý” ở kia. Câu chuyện Viên Ngộ tỏ ngộ nói lên ý nghĩa này rất rõ. Sư tham thiền với Hòa thượng Pháp Diễn thời gian lâu mà không tỏ ngộ. Một hôm, Sư hầu thầy rồi có việc đi ra ngoài, lúc đó quan Đề hình đến thăm Ngài Pháp Diễn. Hai bên luận đạo, Pháp Diễn hỏi:

- Đề hình lúc trẻ có đọc thơ Tiểu Diễm chăng? Trong đó có hai câu:

    “Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự,

    Chỉ yếu đàn lang nhận đắc thinh”

Dịch:

    “Luôn kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc,

    Chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng”

Vừa lúc đó Sư trở về hầu thầy. Chợt nghe được câu chuyện liền hỏi:

- Nghe Hòa thượng nhắc lại thơ Tiểu Diễm, Đề hình có lãnh hội chăng?

Pháp Diễn bảo:

- Ông chỉ nhận được tiếng.

Sư thưa:

- “Chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng”, vậy ông đã nhận được tiếng, vì sao lại chẳng phải?

Pháp Diễn bảo:

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? - Cây bách trước sân đấy!

Viên Ngộ chợt tỉnh ngộ.

Ai thấy Viên Ngộ đã ngộ cái gì? Trên đây là cô đọng một câu chuyện: “Cô tiểu thư có tình ý với anh chàng ở gần nhà. Một hôm vào buổi chiều tối, chàng trai lân la đến bên nhà cô tiểu thư, ý muốn dò tìm phòng cô ở chỗ nào mà không biết. Cô tiểu thư đang ở trên gác nhìn xuống thấy, không biết làm sao cho anh chàng biết phòng mình ở phía này. Chợt cô nghĩ ra, cô gọi đứa hầu gái tên Tiểu Ngọc:

- Tiểu Ngọc! Tiểu Ngọc! Hãy mang bình trà lại phòng này cho cô!

Tức thì anh chàng ở dưới kia nghe tiếng liền biết ngay phòng cô ở.

Như vậy, cô gọi Tiểu Ngọc nhưng thực ra không có việc gì, mà cốt là muốn cho anh chàng ở dưới kia nhận ra được tiếng của mình thôi. Nên nói: “Luôn kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc. Chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng”. Thiền sư dẫn ra để ngầm chỉ nhà Thiền cũng như vậy, nói ở đây mà ý ở kia, người nhận phải khéo nhận được “ý” vượt ngoài lời nói đó. Hỏi: “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? - Đáp: Cây bách trước sân”. Tuy nhiên nếu bám vào cây bách để hiểu là lầm qua mất!

Và đây, có một vị tăng hỏi Thiền sư Hành Tư ở Thanh Nguyên:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Sư đáp:

- Gạo ở Lư Lăng giá bao nhiêu?

Hỏi “đại ý Phật pháp”, không trả lời thế nào, ngược lại hỏi giá gạo ở Lư Lăng thì giống như lạc đề. Người ngoài cuộc nghe đến đây không làm sao hiểu nổi. Bởi thiền không phải nói để hiểu mà nhằm đánh thức cho người sống dậy trong chỗ không hiểu. Nếu cứ theo lời sanh hiểu, lo suy tìm giá gạo là chết trong chỗ mắc rẻ, bị ngôn ngữ lừa một cách đáng thương. Người khéo ngay lúc đó dừng niệm phân biệt hai bên, bặt chỗ nghĩ ngợi đây kia, liền tự rõ đại ý Phật pháp đang hiện tiền sáng rỡ. Vua Trần Nhân Tông đã thầm hiểu ý này nên đã nói trong bài Phú Cư Trần Lạc Đạo: “Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ư, chẳng cho mà cả” nghĩa là ngay đó nhận thì nhận liền, không nhận thì qua mất, không thể trả giá tới lui. Vì vậy, hỏi giá gạo mà “ý” không ở giá gạo. Người có con mắt thiền tự nhận ra ngay không qua giải thích.

Hoặc như có vị tăng hỏi Hòa thượng Tào Sơn:

- Vật gì là quý nhất trên đời?

Sư đáp:

- Cái đầu con mèo chết.

Tăng hỏi:

- Đầu con mèo chết vì sao lại quý?

Sư đáp:

- Vì không ai trả giá.

Nếu như thường tình cứ lo suy nghĩ xem cái đầu con mèo chết vì sao mà quý, thì suy nghĩ muôn kiếp cũng không ra. Đâu ngờ ý Sư không phải ở cái đầu con mèo chết, mà ở chỗ “không ai trả giá”. Có trả giá tức có mắc rẻ, là rơi vào ý niệm đối đãi sanh diệt, đó là sự tầm thường của thế gian. Trái lại, chính chỗ “không ai trả giá”, tức bặt ý niệm đối đãi, tình thức phân biệt không thể biết tới, đó mới là chỗ quý nhất trên đời, là chỗ sáng của Thiền. Bởi vậy, nói ở đây mà phải thấy ý ở kia, người học thiền phải bén nhạy thấy suốt qua lời nói.

Qua một đoạn khác, có một vị tăng hỏi Thiền sư Hiểu Thông ở Động Sơn:

- Nghe nói bậc đại Thánh ở Thất Châu gần đây xuất hiện ở Dương Châu. Đã là bậc đại Thánh ở Thất Châu, vì sao lại xuất hiện ở Dương Châu?

Sư đáp:

- Quân tử mến của lấy đó làm đạo.

Am chủ Liên Hoa Phong nghe được, thắp nhang bảo:

- Con cháu Vân Môn vẫn còn.

Tại sao chỉ nghe một câu nói như vậy, mà am chủ Liên Hoa Phong cảm biết được chỗ thấy siêu xuất của Ngài Hiểu Thông nên ngầm khen ngợi như thế? Trong đây nếu cứ theo chữ “của” mà hiểu, mà suy nghĩ thì càng nghĩ càng rối thêm thôi. Bậc quân tử lại quý của cải hay sao mà nói lấy của làm đạo? Không ngờ điều quan trọng là, cốt thấy “người quân tử” là xong. Đã thật là người quân tử thì dùng cái gì cũng quân tử. Cũng vậy, cốt thấy bậc đại Thánh thì xuất hiện ở đâu cũng được, cũng là đại Thánh, có gì quan trọng? Cứ lo thắc mắc “chỗ nơi”, mà quên mất bậc “đại Thánh” mới là chính yếu. Học thiền phải nhận thấy ý ngoài lời là vậy.

Và như có vị tăng hỏi Ngài Vân Môn:

- Thế nào là Phật?

Vân Môn đáp:

- Que cứt khô.

Có người bàn: “Thiền sư sao nói thô tục quá!?”. Nhưng xét lại xem, là Thiền sư nói thô tục hay chính ý mình nghĩ thô tục? Đây gọi là đem phàm tình mà đo ý Thánh, ý Thánh cũng thành phàm. Đâu biết rằng, Ngài Vân Môn ngay lúc đó, hỏi xong là đáp liền, nào có nghĩ là thô, là tế gì. Chính câu đáp rất sáng tỏ: Hỏi Phật, là thanh tịnh; đáp que cứt khô, là nhơ nhớp, tức khiến người ngay đó bặt niệm NHƠ SẠCH thì chính là Phật chứ gì? Còn nghe que cứt khô hiểu là que cứt khô, trong đầu liền nghĩ NHƠ SẠCH, tức bị ngôn ngữ chuyển, rơi vào tình phàm, thành ra ngay trước mặt lầm qua.

Qua đó cho thấy, thiền là phải thể nghiệm ngay chính mình, không thể lý luận, bàn bạc trên ngôn từ, phân tích trên chữ nghĩa. Do đó, thiền luôn luôn có một sức sống sáng tạo, không thể bắt chước theo lối mòn.

 

II. MỘT SỨC SỐNG SÁNG TẠO

Học Phật nói chung, học Thiền nói riêng, là phải học cái SỐNG, học cái linh diệu sáng ngời luôn hiện hữu, không thể học cái CHẾT, cái đóng khung con người khiến mất đi sức sống tự tại. Chính bản hoài của Đức Phật ra đời là nhằm KHAI THỊ cho chúng sanh NGỘ NHẬP TRI KIẾN PHẬT, đó gọi là một nhân duyên của việc to tát nhất thế gian - đại sự nhân duyên. Song Tri kiến Phật đó ở đâu mà khai thị, nghĩa là chỉ bày? Rõ ràng không thể tìm nó trong sách vở, giấy mực hay văn tự chữ nghĩa, vì đó là những cái khuôn chết. Chính ngay buổi đầu khi Phật thành đạo Ngài đã định nhập Niết-bàn không muốn nói pháp, vì thấy chỗ đó rất khó hiểu, ngôn ngữ không thể nói đến được. Phải đợi Phạm thiên thỉnh cầu ba lần Phật mới tuỳ thuận hứa khả. Vậy có nói ra là Phật bất đắc dĩ, là phương tiện mà nói, không thể cho đó là chỗ cứu cánh. Trong bài kinh THÁNH CẦU thuộc TRUNG BỘ KINH, Phật đã tự thuật như sau: “Này các Tỳ-kheo! Rồi ta suy nghĩ như sau: PHÁP NÀY do ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu”. Trong đây Phật đã tự nói rõ, pháp do Ngài chứng được, nó vượt ngoài lý luận, sâu kín khó thấy, không thể tìm trong văn tự chữ nghĩa. Đó là Phật ngầm nhắc trước rồi, vậy mà đệ tử sau này vẫn cứ kẹt, chỉ lo phân tích câu văn, chia chẻ ngôn cú, vạch tìm chữ nghĩa, lấy đó làm sự nghiệp.

Trước kia Thiền sư Thần Tán đã từng đánh thức vị bổn sư của mình khi vị này đang ngồi xem kinh bên cửa sổ. Lúc đó, có con ong chui đầu vào tấm giấy dán ở cửa sổ để tìm lối ra nhưng ra không được. Sư trông thấy, chợt nói:

- Thế giới thênh thang như thế mà chẳng chịu ra, cứ vùi đầu vào giấy cũ, biết năm nào mới ra được!

Sư liền nói bài kệ:

       Không môn bất khẳng xuất,

       Đầu song dã thái si.

       Bách niên tán cổ chỉ,

       Hà nhật xuất đầu thì.

Dịch:

       Cửa KHÔNG (trống) chẳng chịu ra,

       Quá ngu chui cửa sổ.

       Trăm năm dùi giấy cũ

       Ngày nào mới được qua?

Xem kinh mà không sáng được ý kinh, là đang vùi đầu vào giấy cũ, vào ý nghĩa chết mà Phật đã nói qua từ lâu hơn hai ngàn năm rồi chứ gì! Cần nhận rõ: ánh sáng chân thật đang phóng qua sáu cửa, chiếu khắp mọi nơi, mọi lúc, giấy mực đâu thể ghi được ánh sáng này! Kìa, ngay khi xem kinh thì cái gì đang rọi vào quyển kinh đó? Cái gì đang lật từng trang, từng trang kia? Thấy lại điểm sáng này mới là then chốt. Chỗ này phải có một sức sống sáng tạo, vươn lên mới cảm thông với Phật, Tổ thật.

Kinh Kim Cang, khi Trưởng lão Tu-bồ-đề hỏi tên kinh, Phật đáp: “Kinh này tên là Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật”. Song vừa nói tên kinh xong Phật liền bảo: “Nói Bát Nhã Ba-la-mật tức chẳng phải Bát Nhã Ba-la-mật”. Tại sao lạ vậy? Thông thường giáo lý ở thế gian, vị chủ xướng nói ra thì phải bảo xem đây là khuôn vàng thước ngọc, là lời Thánh thiêng liêng, không được đụng đến, không được phủ nhận. Trái lại ở đây, Phật vừa nói xong liền phủi ngay, vậy nói làm gì? Tuy nhiên, chính đó mới là chỉ lẽ thật. Bởi cái tên Kim Cang Bát Nhã đó đâu phải là bản thân Bát Nhã thật. Phải nhảy qua cái tên đó, thấy lại nơi chính mình, mở sáng trí tuệ nơi tâm mình mới cảm được ánh sáng Kim Cang Bát Nhã chân thật. Lời thánh thiêng liêng là thiêng liêng ở chỗ đó, đâu phải thiêng liêng ở những trang, những hàng chữ kia? Nhà Thiền nói “Giáo ngoại biệt truyền” chính là ý này! Như Tổ Lâm Tế từng bảo: “Như mười hai phần giáo đều là lời nói biểu hiện bên ngoài, người học chẳng lãnh hội, liền nhằm trên những câu nói biểu hiện bên ngoài sanh hiểu, đều là nương dựa, rơi ở nhân quả, chưa khỏi sanh tử trong ba cõi. Nếu ông muốn sống chết, đi ở thong dong tự tại thì ngay đây hãy nhận rõ “NGƯỜI NGHE PHÁP” không hình không tướng, không gốc, không rễ, không chỗ trụ, tự nhiên sống động, ứng ra có muôn thứ phương cách hành động, chỗ dùng chỉ là không chỗ”.

Rõ ràng ngay hiện tiền đây, ai cũng có sẵn NGƯỜI ĐANG NGHE đấy, người này không có trong sách vở, kinh điển, giấy mực, không có gì ghi chép được nó, mà nó luôn có mặt với chúng ta. Đó mới là “bộ kinh sống”, là lời Phật sống. Nhưng chú ý: “Nó ứng ra muôn thứ hành động, song chỗ dùng chỉ là không chỗ”. Sao gọi là “chỗ dùng tức là không chỗ”? Nghĩa là, nó ứng dụng ra tất cả mà không ở một chỗ nào, không trụ vào đâu hết, nên nó vẫn “nguyên vẹn là nó”, vẫn luôn hiện tiền không mê. Nếu vừa có chỗ tức liền vắng mặt ngay chỗ đó!

Vì nhận được chỗ này nên Thiền luôn luôn sáng tạo, không bắt chước theo lối mòn, không đạp theo dấu cũ đã chết.

Chẳng hạn về tánh thấy, kinh Pháp Hoa khai thị tri kiến Phật qua tánh thấy, bằng hình ảnh Phật phóng quang giữa chân mày soi suốt đến các cõi ở phương Đông, trên thấu trời sắc cứu cánh, dưới thấu cả địa ngục, nhưng chỉ người trong Pháp hội thấy thôi, người ngoài không thấy được. Trong nhà Thiền thì Thiền sư Thiện Đạo một hôm thượng đường cầm cây gậy chỉ và nói: “Chư Phật quá khứ cũng chỉ thế ấy!”. Chư Phật quá khứ chỉ thế ấy, là ở cây gậy sao? Ở kinh Pháp Hoa thì phóng quang, ở đây thì cầm gậy chỉ, có gì khác? Song chính khi cầm gậy chỉ đó, tức đã phóng quang soi đến tròng mắt của mỗi người đang có mặt rồi! Chỗ này người ngoài cuộc làm sao thấy được? Phải mở con mắt thiền thôi.

Hoặc kinh Lăng Nghiêm, Phật giơ tay xòe nắm, phóng ánh sáng qua bên bên phải bên trái A-nan để khai thị tánh thấy; Thiền sư thì giơ phất tử, chỉ lồng đèn, giơ ngón tay, đâu bắt buộc phải y khuôn phóng hào quang mới được. Như có vị tăng hỏi Hòa thượng Càn Phong:

- Mười phương Bạc-già-phạm đều đồng một con đường Niết-bàn, thế nào là đầu đường?

Sư lấy cây gậy vạch một đường trong hư không bảo:

- Đây này!

Vậy ngay khi vạch đường gậy đó, có phóng quang chăng? Phải thấy hào quang đó, nó không thuộc tướng xanh, vàng, đỏ, trắng. Chỗ này vốn vượt ngoài chữ nghĩa, không thể suy nghĩ bắt chước.

* Về tánh nghe: như kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo La-hầu-la đánh chuông khai thị cho A-nan, “tiếng có, tiếng không, tánh nghe vẫn thường trụ”. Thiền sư thì “Gọi Dạ” vẫn đánh thức cho người. Như bà già đến Thiền sư Đại Đồng thưa:

- Nhà tôi vừa mất trâu, thỉnh thầy bói cho một quẻ xem!

Sư gọi:

- Bà lão!

Bà ứng:

- Dạ!

Sư bảo:

- Đây rồi!

Bà liền vui vẻ ra về, nhận rõ trâu chẳng mất đi đâu. Trâu mất là do theo tiếng mà quên mình. Nghe “gọi” liền “dạ” thì trâu vẫn sẵn đó, rất là ngoan!

Hoặc có vị tăng đến hỏi Hòa thượng Huyền Sa:

- Học nhân mới vào tòng lâm, xin thầy chỉ cho đường vào!

Sư bảo:

- Ông có nghe tiếng nước khe Yển chảy chăng?

Tăng thưa:

- Dạ nghe.

Sư bảo:

- Từ trong ấy mà vào.

Rõ ràng, cũng ý đó nhưng Thiền sư dùng rất sáng tạo, đâu cố định phải đánh chuông mới được. Tôn giả A-nan từ tiếng chuông mà vào, thì ở đây ông tăng từ tiếng nước khe mà vào. Bởi then chốt là ở ngay người đang có mặt, không phải ở tiếng chuông hay tiếng nước.

* Bởi vậy, đối trong nhà Thiền, không thể bắt chước theo lối mòn của người mà phải có chỗ sống chân thật. Bắt chước để nuôi dưỡng tập khí của mình, đó là bệnh không phải thiền. Như trường hợp hai huynh đệ Tanzan và Ekido đang đi đến ngã quẹo trên con đường lầy lội sau cơn mưa, hai người gặp cô gái xinh xắn trong chiếc áo kimono đứng tần ngần trước khoảng đường lầy. Tanzan không nghĩ ngợi, bảo ngay:

- Đi thôi, này cô bé!

Tanzan đưa tay nhấc bổng cô gái đưa qua quãng đường lầy.

Từ đó về đến chùa, Ekido không buồn nói chuyện một tiếng. Đến chùa, Ekido chịu hết nổi bèn nói với Tanzan:

- Chúng ta là người tu hành, không được gần người nữ, sao sư huynh lại làm như vậy?

Tanzan cười bảo:

- À, tôi đã bỏ cô ấy xuống bên đường đó rồi, còn anh, anh mang theo về tới đây sao?

Giờ đây, người học thiền đọc qua chuyện này thấy thích thú rồi cũng bắt chước làm lại để tỏ ra mình là người tự tại, không ngờ chính đó là đã rơi vào cái khuôn của người xưa. Có người đã làm rồi, nay làm lại là bắt chước, trong đó chỉ ngầm biểu lộ cái TA, cho thấy ta là người đạt lý thiền sâu xa, tự tại, nhưng ở mặt trái là che đậy tâm phóng túng của mình. Như vậy tức đã lộ bản ngã trong đó, lại lầm cho là thiền. Rất nguy! Phải biết chúng ta học ở đó là học yếu nghĩa: “Qua rồi liền thôi, không mang theo mãi trong lòng để chịu khổ. Làm rồi, không để lại dấu vết trong tâm”, chứ đâu bắt chước y khuôn!

Hoặc người học thiền, đọc truyện Thiền sư Thiên Nhiên ở Đơn Hà, thấy đoạn Sư đến chùa Huệ Lâm gặp lúc trời rét, Sư bèn thỉnh tượng Phật bằng gỗ xuống đem đốt để sưởi ấm. Viện chủ Hướng thấy vậy liền quở trách:

- Sao đốt tượng Phật của tôi?

Sư lấy gậy bới tro nói:

- Tôi đốt để lấy xá-lợi.

Viện chủ bảo:

- Phật gỗ làm gì có xá-lợi?

Sư nói:

- Nếu như thế sao ông lại trách tôi?

Ngay đó Viện chủ rụng lông mày. Sau có bài kệ:

       Đơn Hà thiêu mộc Phật

       Viện chủ lạc mi mao.

Nghĩa là:

       Đơn Hà đốt Phật gỗ

       Viện chủ rụng lông mày.

Giờ đây cũng bắt chước thỉnh tượng Phật đem đốt, hoặc bảo là tượng gỗ, tượng đá rồi khinh thường không lễ lạy, là mang họa! Đã có người làm rồi, mình làm lại cũng là thừa, hơn nữa trở thành ngã mạn tội lỗi mà không hay biết thì càng đọa sâu. Khó cứu!

Trên đây là Ngài Đơn Hà đánh thức ông Viện chủ, khiến ông vượt qua phương tiện bên ngoài, thấy lại Phật sống ngay chính mình. Người học thiền, cốt đạt được ý sống trong đó, chớ bắt chước theo việc làm e thành lố bịch.

Để rõ thêm ý này, chúng ta đọc kỹ câu chuyện sau đây: Trong hội chúng của Thiền sư Bạch Ẩn, có một tăng điên nghĩ rằng mình đã chứng đạt nhất tính với Phật. Ông xé kinh sách và dùng làm giấy vệ sinh. Những thầy khác bắt ông phải sám hối nhưng ông không chịu nghe, còn ngạo nghễ vặn lại:

- Có lỗi gì khi dùng kinh Phật chùi đít Phật?

Có người mách việc này với Bạch Ẩn. Ngài bèn hỏi ông ta:

- Người ta nói anh dùng giấy kinh để đi cầu, phải không?

Vị tăng điên đáp:

- Vâng, chính tôi là Phật, có lỗi gì khi dùng kinh Phật lau đít Phật?

Bạch Ẩn bảo:

- Anh lầm rồi! Nếu là đít Phật tại sao dùng giấy cũ đã viết rồi? Anh phải chùi bằng giấy trắng sạch!

Vị tăng điên xấu hổ và sám hối.

(Những Nụ Cười Thiền)

Câu nói của ông tăng điên “kinh Phật chùi đít Phật”, mới nghe qua tưởng chừng như phải, song với người mắt sáng thấy rõ chỉ là người nói rỗng. Đã là đít Phật thì phải dùng giấy trắng sạch, tức là thấy thấu trước khi nói năng phân biệt, chưa rơi vào chữ nghĩa thì mới khế hợp. Còn ở đây ông bắt chước theo lối mòn cũ rích, tâm ông còn phàm phu thì đít ông là đít chúng sanh chứ Phật gì? Đây là gạt người thôi! Bởi vậy, người học thiền phải thật sự mở sáng mắt tâm, tự có sức sống chân thật rõ ràng mới không lầm lẫn.

 

III. TÓM KẾT

Thiền sống hay Phật pháp sống là ở ngay nơi người, trong tự tâm người, luôn luôn sẵn sàng sáng ngời đây, còn phải đợi truyền cái gì nữa? Nói “truyền riêng ngoài giáo” tức ngầm chỉ “Phật pháp chân thật” vốn không nằm trong những giáo lý bên ngoài. Tất cả cái gì vay mượn hãy trả về cho vay mượn, mọi thứ trả về cho mọi thứ, ngay đây THẤY BIẾT ĐÚNG NHƯ THẤY BIẾT, nguyên vẹn NHƯ NÓ LÀ NÓ, không thêm bớt chút gì trong đó xem! Còn ai dối gạt được mình nữa? Đây nhắc lại đoạn nhân duyên Thiền sư Chân Tịnh ở trong thất hỏi vị tăng:

- Xong hay chưa?

Tăng thưa:

- Chưa xong.

Sư hỏi:

- Ông ăn cháo xong chưa?

Tăng thưa:

- Đã ăn xong.

Sư bảo:

- Sao nói chưa xong?

Sư lại hỏi:

- Tiếng gì ở ngoài cửa?

Tăng thưa:

- Tiếng mưa rơi.

Sư bảo:

- Sao nói chưa xong?

Sư hỏi tiếp:

- Trước mặt là cái gì?

Tăng thưa:

- Cái bình phong.

Sư bảo:

- Sao nói chưa xong?

Sư lại hỏi:

- Lãnh hội chăng?

Tăng thưa:

- Chẳng lãnh hội.

Sư bảo:

- Hãy nghe bài tụng này:

       Tùy duyên sự sự liễu

       Nhật dụng hà khiếm thiểu?

       Nhất thiết đản tầm thường

       Tự nhiên bất điên đảo.

Nghĩa:

       Theo duyên mọi việc xong,

       Hằng ngày dùng đâu thiếu?

       Tất cả chỉ tầm thường,

       Tự nhiên hết điên đảo.

Tùy duyên ngay chỗ ứng dụng bình thường hằng ngày, thấy nghe vốn đầy đủ tất cả, còn tìm cái gì khác nữa? Cái này đâu thể tìm trong sách vở, ngữ lục, kinh điển mà có? Hỏi ăn cháo xong chưa? Đáp ăn xong. Hỏi ngoài cửa là tiếng gì? Đáp tiếng mưa rơi. Hỏi trước mặt là gì? Đáp cái bình phong. Mỗi mỗi trả lời rành rõ đó, sao còn chưa tỉnh? Truyền riêng ngoài kinh giáo chính ở đây. Song tối kỵ khởi tâm động niệm. Vừa khởi tâm động niệm liền khuất ngay.

Nói thẳng, thiền là tâm chứng: phải chứng nghiệm nơi tâm, không thể tìm kiếm từ bên ngoài, không thể chết trên cái khuôn của ngôn ngữ văn tự, không đạp trên dấu vết của người hay theo lối mòn cũ rích, mà phải tự mở một con đường sống. Nghĩa là phải tự sống dậy, vươn lên, tự mở trí vô sư vốn có nơi mình, từ đó ứng dụng ra mới luôn luôn mới mẻ, có sức sống linh diệu, không ở trong một cái khuôn chết nào. Như chuyện Kính Sơn có 500 chúng mà ít người thưa hỏi. Hoàng Bá sai Nghĩa Huyền đến đó và bảo:

- Ông đến đó sẽ làm thế nào?

Nghĩa Huyền thưa:

- Con đến đó sẽ tự có phương tiện.

Sư đến Kính Sơn, tự mang hành lý lên pháp đường gặp Kính Sơn. Kính Sơn vừa ngẩng đầu lên, Sư liền hét. Kính Sơn toan mở miệng, Sư phẩy tay áo bỏ đi.

Có vị tăng hỏi Kính Sơn:

- Vị tăng vừa rồi có ý nghĩa gì mà hét Hòa thượng?

Kính Sơn bảo:

- Vị tăng ấy từ trong hội Hoàng Bá đến, ông cần biết chăng? Hãy đi hỏi y!

Sau đó 500 chúng ở Kính Sơn hơn phân nửa giải tán. Bởi chính Nghĩa Huyền đã có sức sống chân thật rồi nên tự mình có chỗ tin tưởng, đến đó sẽ tùy duyên ứng dụng, không có cái khuôn sắp đặt sẵn. Kính Sơn vừa ngẩng đầu lên, Sư liền hét, vì đã thấy trước ngôn ngữ, không đợi nói ra đã sớm biết rồi. Đúng như hai câu kệ của Thiền sư Quảng Nghiêm:

       Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

       Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Nghĩa:

       Làm trai có chí xông trời thẳm,

       Thôi giẫm Như Lai dấu đã đi.

Mình phải có một sức sống vươn lên, vượt khỏi khuôn khổ tầm thường của thế gian, tự mở một lối đi sáng ngời cho mình, không đạp theo dấu vết chết của Như Lai - kinh giáo chẳng hạn. Cho nên thiền có một sức sống sáng tạo kỳ diệu không thể nghĩ bàn, chỉ người chứng nghiệm mới cảm nhận được rõ. Đó cũng chính là một sự thức tỉnh cho người tu Phật chúng ta: phải có một sức sống chân thật, vượt ra khuôn khổ chết của ngôn ngữ văn tự sắp đặt sẵn.

Bởi Phật giáo Trung Hoa đến thời Tổ Bồ-đề Đạt-ma thì người học Phật phần nhiều đắm mắc trên giáo nghĩa chết, không thấy được “Phật pháp sống”, nên Tổ đến Trung Hoa nêu cao lá cờ “giáo ngoại” để đánh thức cho người tỉnh dậy, mở một cái nhìn sáng ngời, vượt qua những hình thức giáo nghĩa, thấy lại “mặt thật xưa nay” của chính mình, thật không thể nghĩ bàn! Bài kệ của Thiền sư Bạch Ẩn tóm tắt ý này:

       Tất-bát-la quật lý

       Vị kết tập thử kinh

       Đồng Thọ dịch vô ngữ

       A-nan khởi đắc thinh

       Bắc phong xuy song chỉ

       Nam nhạn tuyết lô đinh

       Sơn nguyệt khổ như sấu

       Hàn vân lãnh dục linh

       Thiên Phật túng xuất thế

       Bất thiêm giảm nhất tinh.

Nghĩa:

       Trong hang Tất-bát-la

       Chưa kết tập kinh này

       Đồng Thọ không lời dịch

       A-nan đâu được nghe.

       Gió bắc qua song cửa

       Nhạn nam tuyết rơi đầy

       Trăng núi dáng như gầy

       Mây lạnh dường mưa rây.

       Ngàn Phật dù xuất thế

       Không thêm bớt một lời.

(Hân Mẫn dịch)

Gió bắc, nhạn nam, trăng núi, mây lạnh, cả một sự lạnh lẽo cô đơn, bặt mọi ý duyên, không có dấu vết cho ngôn ngữ tìm đến. Xin để dành lại nguyên vẹn “Bộ kinh tinh nguyên” này cho người tự mở ra xem vậy!

 

 

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05572
  • Online: 19