Ý nghĩa lễ Phật
27/01/2012 | Lượt xem: 3380
Lễ: tiếng Phạn là Bạn-thế, lại gọi là Hòa-nam hoặc na-mô-tất - yết-la, dịch là lễ bái; ý cung kính biểu hiện ở thân tướng.
Đây là nói đến tinh thần lễ Phật, mà trong các tông phái Thiền, Tịnh, Mật… đều tôn kính và thường xuyên lễ sám. Chúng ta tự đặt câu hỏi, tại sao ta phải lễ Phật? Lễ Phật có được năng lực gì?
Chúng ta lễ Phật không vì mong cầu ban ân bố đức, mà lễ Phật là để tập sống với đức tính vị tha và bao dung của Phật. Lễ Phật để thấy mình còn cống cao ngã mạn, tật đố, ích kỷ, san tham… và phát nguyện từ bỏ những hành động xấu dở đó. Phước đức lễ Phật là tại chỗ đó.
Như câu chuyện vua A Dục:
“Vua A Dục trước là người độc ác, đã vậy mà vua còn lập ra một chỗ gọi là: “Địa ngục ở chốn nhân gian”, đặt tên là vườn “Ái lạc”. Từ khi hướng tâm đến Phật Đà, vua đổi thành người rất nhân từ. Hồi mới theo đạo, vì lòng cảm mộ quá dồi dào nên mỗi khi ngự ngoài đường hễ gặp vị Tỷ kheo nào đi ngang qua, vua liền xuống kiệu khấu đầu lạy. Tại sao một ông vua cực ác lại hướng đến chúng Tăng thành kính lễ lạy như thế?
Kinh nói:
“Người nào thành tâm hướng đến chư Phật, Bồ tát, Thánh Tăng mà lễ lạy thì được thành tựu những công đức:
1. Tiêu trừ nghiệp chướng từ nhiều đời
2. Diệt trừ nhân ngã
3. An ổn trong hiện tại, mai sau.
4. Con đường hướng đến Phật quả”.
Kinh Đại Báo Ân nói:
“Vua A Xà Thế tạo tội ngũ nghịch, đúng lý phải đọa địa ngục A tỳ, sau ông sanh tâm sám hối, và hướng đến Phật cung kính đảnh lễ cúng dường tiêu diệt tội lỗi”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ sự vi diệu tác thành lễ Phật, tuy hữu hình mà vô tướng, tuy vô tướng mà hữu hình. Đây chính là sắc tức là không, không tức là sắc vậy! Người nào thâm nhập vào biển đại giác của Như Lai rồi, thì người này thắp một nén hương, lễ một lạy đều là công đức chân thật cả.
Do đó Hòa Thượng Thần Giai nói:
“Thấu rõ chúng sanh vốn rỗng không chẳng bỏ tâm đại bi, quán xét. Như Lai vốn lặng lẽ, mà chẳng bỏ sót đối với việc cung kính cúng dường, bàn về thật tướng chẳng hủy hoại giả danh, luận về sai biệt mà chẳng phá bình đẳng”.
Lại nói: “Nếu người kia thường lễ bái cung kính cúng dường nơi Tam Bảo, không biết mệt mỏi chán nản. Có thể vượt khỏi bốn cảnh ma, nhanh chóng thành tựu đạo giác ngộ Vô thượng”.Bốn cảnh ma là phiền não ma, ngũ ấm ma, tử ma, tha hóa tự tại thiên tử ma.
Nếu thường xuyên lễ bái cúng dường Tam Bảo thì trong tâm luôn được an ổn là vượt thoát ma phiền não.Người này luôn thấy được thật tướng của ngũ ấm nên vượt thoát ngũ ấm ma...
Như vậy, ai dám bảo rằng người ngộ lý thiền rồi không cần lễ bái, tụng Kinh, thiền tọa… Đây chính là khẩu đầu thiền vậy! Người xưa tuy là làm thầy cho thiên hạ, đốn ngộ chơn tâm, khai bày giác thể mà đối với sự lễ lạy tôn kính Như Lai, đều thể hiện trong tinh thần nhất như vô niệm.
Ta hãy nghe câu chuyện của Thiền Sư Hoàng Bá:
“Sư lễ Phật tại điện Diêm Quan, bấy giờ vua Đường Tuyên Tông đang làm Sa di hỏi sư:
- Không chấp trước cầu Phật, không chấp trước cầu pháp, không chấp trước cầu Tăng, Trưởng lão lễ bái làm chi?
Sư đáp:
- Không chấp trước cầu Phật, không chấp trước cầu pháp, không chấp trước cầu Tăng, thường lễ bái sự việc như vậy.
Sa di nói: - Thế thì lễ bái làm chi?
Sư tát Sa di.
Sa di nói: - Thô lỗ quá!
Sư nói: - Nơi đây là đâu mà dám nói thô với tế?
Vừa nói Sư vừa tát”.
Đây chính là đại cơ, đại dụng của Thiền sư, Thiền sư đã dẫm nát đại địa mà chưa từng dính hạt bụi, nhai nát hạt cơm mà chưa dính kẻ răng. Thật là:
Vào rừng không động lá
Vào nước không quậy sóng.
Nói chung, luận về thật tướng không dính một mảy trần, trên cửa muôn hạnh thì không bỏ một pháp, do đó Thiền sư lễ Phật mà không thấy mình lễ Phật, Thiền sư dùng tâm Phật lễ Phật nên năng sở tương ứng, tánh tướng vô ngại. Đây chính là ở chỗ bất động mà hiện bày diệu thể, ở chỗ hữu tình mà hiện bày vô tướng. Thật là gom càn khôn vào trong hạt bụi, tinh tú gom vào lỗ chân lông… Ấy chính là người đạt đạo nơi nơi đều là đạo, người ngộ pháp nơi nơi đều là pháp… Đâu như chúng ta một pháp cũng chẳng thông, một pháp cũng chẳng tột mà đã vội phế bỏ phép tắc kỷ cương của thường trụ. Cho nên người xưa học đạo rất dè dặt, luôn luôn đề cao kỷ cương của Phật Tổ, khép mình vào khuôn vức của Thiền môn, nên dòng pháp mới lưu truyền khắp năm châu bốn biển.
Do đó người đời sau muốn đạt đến chỗ đất thật, không bị chướng ma quấy nhiễu thì hãy nghe lời tâm huyết của Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ:
“Phước nghiệp sâu rộng, trợ giúp cả phàm lẫn Thánh, phước là cội gốc của an lạc, trí là cánh cửa dẫn đến giải thoát… Bậc cha lành trong mười phương làm vô lượng phước lành, đầy đủ thân công đức Ngài còn đích thân đảnh lễ đống xương khô, tự mình vì đệ tử mà xỏ kim. Huống chi kẻ phàm phu thấp kém, phước ít đức mỏng”.
Như vậy, ta muốn kết thiện duyên sâu dầy với Tam bảo, thì một pháp cũng chẳng sót, huống nữa lại phế bỏ ư? Tự mình lười biếng đã đành, còn khuyến khích người khác chê bai đây là tượng đồng, gỗ đá… lễ bái làm gì, đây chính là nhân điên đảo vậy! Người sau phải dè dặt, chớ gieo nhân lành gặt quả dữ.
Như trong Kinh Lăng Nghiêm đã cảnh báo:
“Người tu đạo phát khởi tâm chứng Thánh, ma đại ngã mạn nhập vào tâm. Người này chẳng lễ bái chùa tháp, hủy hoại kinh tượng, họ nói với đàn việt: “Đó là đồng, vàng hoặc gỗ đất, kinh là lá cây hoặc là điệp hoa, nhục thân này là chân thật thường còn mà không cung kính, lại tôn sùng gỗ đất”.
Thật là điên đảo! những người tin theo họ, hủy hoại Kinh tượng, chôn vùi xuống đất, khiến cho chúng sanh nghi ngờ lầm lạc rơi vào địa ngục Vô gián. Khi mất chánh định sẽ đọa vào trầm luân.
Đây chính là nhân lành gặp quả xấu, nguyên nhân là tâm đại ngã mạn quá lớn. Có những người học được chút ít đạo lý thiền, hay có tâm cuồng loạn như thế! Họ đâu có hiểu nổi việc làm của các Thiền sư khi muốn khai thị cho người học, để thẩm thấu đến chỗ vô ngôn.
Như trường hợp Ngài Đơn Hà chẳng hạn:
“Sư đến chùa Huệ Lâm, gặp lúc trời đại hàn, sư bèn thỉnh tượng Phật gỗ đốt để hơ. Viện trưởng Hướng trông thấy quở: - Sao đốt tượng Phật của tôi?
Sư lấy gậy bới tro nói: - Tôi thiêu để lấy xá lợi.
Viện chủ bảo: - Phật gỗ làm gì có xá lợi.
Sư nói: - Đã không có xá lợi thì thỉnh thêm hai vị nữa thiêu.
Viện chủ nghe câu nói này tất cả chấp đều tan vỡ”.
Thiền sư vì phá chấp cho người nên mới hành động phá chấp, hòng đưa người học đạo đến chỗ đất thật. Cho nên mỗi hành động của Thiền sư, chúng ta không dùng tâm phàm tình mà thấu tột được! Chỉ khi nào mắt tuệ ta mở ra, thì mới thông cảm hành động của Thiền sư. Tuy nhiên, như thế đối với việc thường trụ già lam các Ngài cũng đều khuyên răn đại chúng khép mình vào khuôn phép của Phật Tổ.
Như Thiền sư Hoàng Biện chẳng hạn:
“Vua Đường Tuyên Tông hỏi Thiền sư Hoàng Biện:
- Thiền sư đã hội ý Tổ, lại có lễ Phật tụng Kinh chăng?
Sư đáp:
- Sa môn Thích tử lễ Phật tụng Kinh là pháp thường của trụ trì, sẽ có bốn quả báo. Song còn phải nương theo giới luật của Phật để tu thân, tham tầm thiện tri thức, lần tu phạm hạnh nối gót Như Lai mà đi”.
Nên Kinh Pháp Hoa nói:
“Hoặc có người lễ bái
Có người chỉ chắp tay
Cho đến giơ một tay
Có người lại cúi đầu
Để cúng dường tượng Phật
Sẽ thấy vô lượng Phật
Tự thành đạo Vô thượng”.
Như vậy, việc lễ Phật tụng Kinh đều là khuôn phép của Tăng già, là công đức của thường trụ, há cho là việc dung dị ư? Là người tu Phật hành giả phải chín chắn xem lại hành động của mình. Khi lễ Phật có chánh niệm thu thúc sáu căn hay không? Nếu không thì hãy tưởng niệm bài kệ:
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Thập phương thế giới diệc vô tỳ
Thế gian sở hữu ngã tận kiến
Nhứt thiết vô hữu như Phật giả.
Nghĩa:
Trên trời dưới đất không ai bằng
Mười phương thế giới cũng không sánh
Toàn thể thế gian con thấy hết
Tất cả không ai bằng Phật được.
Bài này nói đến chân tinh thần lễ Phật, lễ Phật ở đây là làm sao hành giả đạt đến chỗ:
Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.
Lễ Phật như thế! Thì mới tăng trưởng công đức vô lậu được.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm nói:
“Người nào cung kính lễ bái Như Lai được năm thứ công đức thù thắng:
1. Xinh đẹp.
2. Giọng nói hay.
3. Nhiều của báu.
4. Sinh vào nhà giàu có.
5. Sinh về cảnh giới an lành”.
Trong Pháp Uyển Châu Lâm nói:
“Ngài Tam Tạng ở nước phía Tây, họ Quyết hiệu Lặc Na, thấy dân phàm phu hạ liệt này ở gần miền biên giới, không biết lễ nghi, tính đồng khỉ ngựa, trong lòng thương xót tràn đầy. Ngài dạy có bảy pháp lễ lạy:
1. Lạy ngã mạn:
1.1. Ỷ mình hơn người.
1.2. Địa vị cao.
1.3. Học giỏi – khinh mạn cống cao.
1.4. Lạy cho có lạy.
Đây là nói về các tướng lạy, phần này nói về tướng lạy mà trong tâm còn chất chứa ta người, chưa đạt đến chỗ vô ngã, tính chất này còn ẩn chứa những hạt giống chấp ngã, thấy mình giỏi hơn người khác, tuy lạy mà trong tâm không kính…
Như câu chuyện Tăng Pháp Đạt trong Pháp Bảo Đàn Kinh chẳng hạn:
“Tăng Pháp Đạt, người ở Hồng Châu, xuất gia lúc bảy tuổi, thường tụng Kinh Pháp Hoa, đến lễ Tổ mà đầu không sát đất. Tổ mới quở:
- Lễ mà đầu không sát đất, chi bằng đừng lễ, trong tâm ông ắt có một vật, vậy ông chứa sự nghiệp gì?
Pháp Đạt thưa: - Tôi tụng Kinh Pháp Hoa đã đến ba ngàn bộ.
Tổ bảo:
- Nếu ông tụng đến muôn bộ, được ý Kinh mà chẳng cho là hơn, ắt cùng với ta sánh vai, nay ông mang sự nghiệp này, trọn không biết lỗi. Nghe ta nói kệ:
Lễ bản chiết mạn tràng
Đầu hề bất chí địa
Hữu ngã tội tức danh
Vong công phước vô tỷ.
Nghĩa:
Lễ vốn trừ ngã mạn
Sao đầu không sát đất
Có ngã tội liền sanh
Quen công đức vô tỷ”.
Đây là nói về Thầy Pháp Đạt đến lễ Tổ mà đầu không sát đất. Vì sao? Vì trong tâm còn chất chứa sự nghiệp tụng ba ngàn bộ Kinh Pháp Hoa. Tăng Pháp Đạt này là đại diện cho chúng ta đấy! Một người tu Phật mà trong tâm còn chất chứa ta người thì khó mà lễ lạy đến tôn tượng Phật, Bồ tát… Huống nữa là phàm Tăng, dẫu cho có lễ lạy mà trong tâm còn ta người, năng sở… thì cũng hoài công vô ích, đâu khác gì con trùng bửa củi.
Nên Tổ nói:
“Có ngã tội liền sanh
Quên công phước vô tỷ”.
Như vậy chúng ta thấy rõ, lễ Phật, lễ Tổ… mà trong tâm còn chấp ngã, tức tội liền phát sanh, còn quên ngã buông xả những tâm niệm chấp trước thì phước đức chẳng thể nghĩ bàn.
Do đó, trong Kinh Tăng Nhất A Hàm nói:
Thiện nghiệp đã lễ trước
Đầu tiên không lỗi lầm
Cửa giải thoát trống không
Đây là nghĩa lễ Phật
Vị lai và quá khứ
Nên quán pháp trống không
Đây là nghĩa lễ Phật.
2.Lạy xướng họa cầu danh:
Hình tướng lễ không phải ngạo mạn mà trong tâm không có chánh niệm, còn chấp trước ta người. Thấy người thì thân nhẹ lạy mau, người đi thì thân mỏi tâm mệt, như tựa tùy thuận. Có chút trợ lực của hình tướng, phước lễ này mỏng ít, chẳng phải thật tâm cung kính cúng dường; bởi do tâm tán loạn, không có chánh niệm tỉnh giác, chỉ có miệng xướng mà thôi, đó là lạy xướng họa cầu danh.
Như Kinh Pháp Cú Phật dạy:
“Ai sống một trăm năm
Lười nhác không tinh tấn
Tốt hơn sống một ngày
Tinh tấn tận sức mình”.
3. Lạy thân tâm cung kính:
Hình tướng lạy này là đem hết thân tâm cung kính lễ Phật, xướng danh hiệu Phật tưởng Phật trước mặt, đầy đủ tướng hảo. Thân tâm chánh niệm thu thúc sáu căn, liền cảm được từ ân của Phật, rưới nước cam lồ đảnh môn phát tuệ, nghiệp chủng sâu xa chóng dứt tiêu trừ. Đây là thân tâm chánh niệm mà cảm ứng vậy. Chúng ta cần lưu ý khi lạy Phật chúng ta cần chánh niệm, kính cẩn cúng dường.
Vậy tưởng Phật trước mặt có phải là vọng tưởng không? Vọng tưởng và quán tưởng là hoàn toàn khác nhau. Lạy mà vọng tưởng là duyên theo những chuyện quá khứ hoặc vị lai. Quán tưởng hay quán chiếu đều nằm trong trí giác, không ra ngoài trí giác. Một niệm khởi lên liền biết, kiểm soát từng tâm niệm của mình.
Như trong Kinh Pháp Cú nói:
“Suốt năm cúng tế vật
Để cầu phước ở đời
Không bằng một phần tư
Kính lễ bậc chánh trực”.
4. Lạy Phật trí thanh tịnh:
Do thấu suốt cảnh giới Phật, trí tuệ tỏ thông, thấu tột pháp giới không ngăn ngại, nên khi lễ Phật tùy tâm hiện lượng mà biến hiện khắp pháp giới, lạy một đức Phật là dung thông tất cả Phật, lạy một Đức Phật là dung nhiếp cả bốn loài. Vì tuy là khác loài, đi trong sáu đường mà không rời tâm Phật. Đây chính là phát trí thanh tịnh nơi chơn thường, mà phổ ra hằng sa diệu dụng. Nên người xưa nói: “Người nào muốn biết cảnh giới Phật, phải tịnh ý mình như hư không”.
5. Lạy khắp pháp giới:
Hành giả quán tưởng thân tâm của mình từ xưa đến nay không rời pháp giới, không đến không đi, không trụ không xả… tánh tướng nhất như, nên một khi lễ Phật là trùm khắp mười phương cõi Phật. Đây chính là năng lực thù thắng do ngộ nhập nhất chơn pháp giới, mà phổ chiếu ra muôn hình vạn tượng…
Như trong Đại Trí Độ Luận nói:
“Năng lực thù thắng của một vị Phật bằng năng lực thù thắng của tất cả Phật; năng lực thù thắng của tất cả Phật bằng năng lực thù thắng của một vị Phật. Giả sử tất cả Phật không giáo hóa chúng sanh, thì công đức ấy cũng quay về pháp giới, đức dụng biến khắp tất cả.
6. Lạy chánh quán tu hành:
Đây là quán chiếu sâu xa thể của mình và thân Phật của mình, không duyên cảnh khác, thân Phật khác, nhất tâm tỉnh giác thâm nhập vào biển tuệ của Như Lai, thì quả báo tương xứng.
Như Kinh Duy Ma nói:
“Như tự quán thân, quán Phật tướng cũng vậy”
7. Lạy thật tướng bình đẳng:
Lạy thật tướng này phàm Thánh nhất như, thể dụng bất nhị, như như bình đẳng, người nào đạt đến cảnh giới này tức là thấy rõ mình và Phật là một thực tại duy nhất. Đây là cảnh giới bất khả tư nghì, không thể dùng tâm phàm mà thấu thoát được.
Kinh Đại Phương Quảng sách nói:
“Ngài Trí Đăng hỏi:
- Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Sao gọi là thấy Phật thanh tịnh? Sao gọi là lễ Phật?
Ngài Văn Thù Sư Lợi đáp:
- Thưa đại đức Trí Đăng! Nếu thấy pháp tịnh, gọi là thấy Phật tịnh. Hoặc thân hoặc tâm không cúi không ngước, nếu không cúi không ngước chính là trực tức trụ, không dao động, tâm vắng lặng, hành hạnh tịch tĩnh. Này đại đức Trí Đăng! Đó là lễ Phật”.
Như vậy lễ Phật ở đây có rất nhiều ý nghĩa, song mục đích chính là làm sao hành giả đạt đến chỗ đất thật, nắm bắt tự tại, co duỗi tùy thời, cúi ngước tùy lúc. Ấy chính là phương tiện lực của Bát nhã vậy! Hành giả muốn tột được lý này thì phải:
Trên trời dưới đất không ai bằng
Mười phương thế giới cũng không sánh
Toàn thể thế gian con thấy hết
Tất cả không ai bằng Phật được.
Sở dĩ chúng ta tôn kính thân tượng Phật vì thấy tất cả trên thế gian này, cả thế gian và xuất thế gian, không ai bằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta luôn hướng về Ngài, thành tâm đảnh lễ cung kính cúng dường, được công đức trợ duyên trên bước đường tu học giác ngộ giải thoát.
ĐĐ.Thích Khế Định
Các bài mới
- Diệu chỉ Phật tâm tông (Phần 2) - 23/05/2011
- Diệu chỉ Phật tâm tông (Phần 1) - 19/05/2011
Các bài đã đăng
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89371
- Online: 17