Ý nghĩa Lễ thượng nguyên và tâm nguyện cầu an đầu năm

02/03/2013 | Lượt xem: 6233

Tại buổi Lễ thượng Nguyên tại TVTL Sùng Phúc, ĐĐ.Thích Tâm Thuần - Phó Ban Hoằng pháp Hà Nội, Trụ trì Thiền viện đã có thời pháp chia sẻ về Ý nghĩa Buổi lễ Thượng Nguyên và cầu an đầu năm. BBT xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài pháp này.


1. Ý nghĩa giá trị thiêng liêng của
Buổi lễ Thượng Nguyên  và  tâm nguyện cầu an đầu năm
Ngày đầu năm, Phật tử cùng nhân dân khi lên chùa lễ Phật hay có suy nghĩ cần cúng sao, giải hạn, mong giải được oan kết từ nhiều đời của mình, mong mỏi được sự bình an trọn vẹn cả năm nhưng cần phải kiểm tra lại xem việc nào đúng với chánh pháp, thực sự đem lại cho chúng ta bình an, chúng ta cần suy nghĩ cho kỹ. Nhiều người nghĩ năm nay mình sao Thái Bạch, sao La Hầu, sao Kế Đô và cho là sao xấu, tâm bất an nên trí tuệ không phát huy được. Vấn đề sao hạn trong giáo hội Phật giáo được nhắc nhở rất nhiều vì đây không phải là chuẩn mực.
Chúng ta đều biết hai đứa bé sinh ra cùng ngày cùng giờ, cùng phút nhưng số phận có giống nhau không?
Dù cùng một sao nhưng hai đứa bé đó sau này lớn lên lại có cuộc sống, giàu sang, địa vị, trí tuệ khác nhau. Có quí vị nói rằng tại vì đứa này có phước, đứa này thiếu phước, như vậy phúc đức nhân quả là chuẩn, còn vấn đề sao hạn không chuẩn.
Trong sách có câu: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh, Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt”. Người có tướng xấu mà tâm tốt thì tướng đó nhờ tâm tốt mà chuyển thành tướng tốt, còn người tướng tốt nhưng tâm xấu thì tướng đó sẽ mất. Như vậy, nhân quả mới là chân lý.
Người đệ tử Phật tin sâu chính pháp sẽ không còn bận tâm đến ngày giờ nhưng cũng có người nói "coi trước để dự phòng". Vậy quí vị dự phòng sao đây? Nếu biết mình sao xấu thì lo lắng bất an, sợ hãi, lo làm lễ giải sao để bình an, ai có thể làm dùm mình chuyển đổi thành bình an. Đức Phật đã lấy ví dụ đem cục đá vứt xuống nước, bao nhiêu người cầu để khiến cho cục đá nổi lên được, còn nếu đổ dầu xuống nước thì làm gì để dầu chìm xuống được. Đã là người đệ tử Phật, cần phải có niềm tin sâu nơi nhân quả, vì gieo nhân gặt quả là một chân lý, lẽ thực.
Còn ngày rằm tháng Giêng là ngày lễ Thượng Nguyên,bên Trung Quốc gọi là tết Nguyên Tiêu. Ai khi đến chùa vào ngày rằm đầu năm đều lễ Phật cầu an cho gia đình, dòng họ, đất nước, cho thiện hạ thái bình, an lạc. Tâm huyết này của tất cả mọi người dân Việt Nam sẽ trở thành một sức mạnh rất lớn để sự bình an được thành tựu, tâm nguyện này rất tốt nhưng việc làm của chúng ta để hoàn thành tâm nguyện đó, xây dựng sự bình an đó thì chúng ta vẫn chưa làm được trọn vẹn.
Trong ngày Rằm tháng Giêng cũng là ngày mà người Phật tử về chùa lễ Phật, sám hổi, phát nguyện, nỗ lực tinh tấn tu tập mong trọn vẹn năm ấy được phúc lành nhưng khi quý Phật tử phát nguyện, hồi hướng thì cần phải có ấn tượng sâu sắc với những lời đó, nhờ vậy sẽ giúp chúng ta trong một năm hoàn thiện mình, xây dựng phúc đức để cả năm gặt hái quả lành, đây là điều các Phật tử nên lưu tâm. Người đệ tử Phật muốn cầu an lạc giải thoát không gì bằng gieo phúc lành cho mình và mọi người.

2. Tinh thần Tán Phật, Tán Pháp, Tụng Bát nhã, Sám hối ,phát nguyện,  hồi hướng công đức để  buổi lễ thực sự có ý nghĩa
  a.Tán Phật
Khi vào bất kỳ buổi lễ nào, đại chúng đều tán thán công hạnh của đức Phật

“Ðại từ, đại bi thương chúng sanh,
Ðại hỷ, đại xả cứu hàm thức.”


Trước khi đảnh lễ đức Thế tôn, chúng ta tán thán công hạnh của Phật là đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, rồi đảnh lễ tam bảo với tâm chí thành của mình, tự xét lại xem đức hạnh từ bi của mình có được rộng mở, có hỷ xả được hay không, tiếp đó, chúng ta tán thán Pháp Phật:

“Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ,
Nguyện hiểu nghĩa chơn đức Thế Tôn.”


b.Tán Pháp
Tán thán Pháp là sâu mầu vi diệu, khó gặp được, nay có duyên lành thì mới gặp được, nay con nghe được chánh pháp thì nguyện phát huy tinh thần học hiểu, tu tập theo chánh pháp và nguyện gìn giữ chánh pháp, hiểu được ý nghĩa sâu mầu, tâm huyết của Đức Phật gửi vào chánh pháp để áp dụng và tiến tới giải thoát. Sau đó chúng ta mới tụng kinh, sám hối, phát nguyện rồi hồi hướng.

Một buổi lễ có đầy đủ ý nghĩa như vậy, nhưng chúng ta thường không chú ý mình sám hối thế nào, phát nguyện thế nào, hồi hướng ra sao, do vậy buổi lễ chưa được thành tựu trọn vẹn, vì chưa hiểu hết ý nghĩa buổi lễ, chưa có một tâm thành chí thiết đối với buổi lễ. Để buổi lễ có sức gia trì của Tam Bảo, của Long Thiên Hộ Pháp nhằm giúp ta thành tựu tâm nguyện của buổi lễ trong ngày rằm đầu năm thì chúng ta cần soi xét lại tâm của mình, để làm sao trong năm nay tâm từ bi hỷ xả của mình thực sự được phát huy trọn vẹn.
Khi tán pháp Phật thì chúng ta cũng cần tán thán bằng tâm chí thành của mình. Hiểu hơn nghĩa của đức Phật là hiểu được mong muốn, hoài bão của chư Phật mong chúng sinh giác ngộ, giải thoát. Giáo lý Phật dạy về nhân quả, gieo nhân thì gặt quả, không gieo nhân thì không gặp quả, nếu không muốn gặt những quả mà mình đã gieo không tốt thì ngay từ bây giờ phải gieo những nhân tốt, gieo phúc đức, chuyển nhân dở thành quả tốt lành. Đó mới là hiểu ý nghĩa sâu mầu của giáo pháp của Phật.
Đức Phật dạy “Chư Hạnh vô thường, chư Pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh”, đây chính là tam pháp ấn, mọi hạnh đều vô thường, mọi pháp đều vô ngã, niết bàn là nơi không sinh không diệt, là tri kiến Phật có trong mọi chúng sinh. Pháp Phật dạy cho chúng ta lẽ thực, để chúng ta được an lạc giải thoát, chúng ta cần tiến tu để nhận ra cái vô thường, nhận ra tri kiến Phật nơi mình.

c. Tụng Bát Nhã
Sau đó, chúng ta tụng Bát nhã, Bồ tát thấy rõ thân năm uẩn này là KHÔNG, là thân chiêm bao, mộng huyễn nên qua hết khổ ngã. đọc từng câu từng lời để thấu rõ nghĩa lý, cảm nhận được bình an, nhờ cái nhìn Bát nhã mà qua hết mộng tưởng điên đảo mà đạt tới cứu kính Niết bàn, chư Phật trong ba đời cũng nương Bát Nhã Ba La Mật Đa mà thành tựu được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, như vậy, Bát nhã là lời cảnh tỉnh cho mình thấy được giá trị pháp Phật, giúp cho mình được bình an, hạnh phúc trọn vẹn.

 
d.Tinh thần sám hối trong buổi Lễ cầu an đầu năm
Tiếp đến, chúng ta sám hối, tinh thần sám hối đầu năm là yếu tố cơ bản để có được bình an, vì ai trong suốt một năm cũng có nhiều lỗi lầm, đầu năm được thanh tịnh, phát nguyện dũng mạnh thì năm đó chúng ta có sự gia trì Tam Bảo.
 
Ví như: Một chiếc lọ bẩn nếu chưa được rửa sạch mà lại tiếp tục đổ nước sạch vào thì nước sạch sẽ trở thành nước bẩn, bởi vậy, chiếc lọ trước khi đựng nước sạch phải súc rửa thật sạch, chúng ta đi lễ đầu năm cũng vậy, phải chí tâm chí thành sám hối thì tội nghiệp từ thân miệng ý từ bao đời của mình được tiêu trừ.

Tuy nhiên, không phải chúng ta chỉ tụng đọc là xong buổi lễ sám hối mà tinh thần sám hối phải được đặt lên hàng đầu, ai cũng có xấu dở lỗi lầm từ nhiều kiếp. Sám là ăn năn những lỗi lầm đã tạo, hối là hổ thẹn, phát nguyện dứt trừ những tội lỗi đó, không cho tái phạm nữa, đó là tinh thần sám hối đầu năm, quí vị hiểu rõ quí vị hơn ai hết, mình có lỗi gì, khiếm khuyết, sai sót gì thì trong những ngày này cần chí thành tha thiết sám hối, ăn năn sám hối tại sao năm qua còn lơ là học hành, chưa nhiệt thành giúp đỡ mọi người, vẫn còn hay nói dối, hay hung dữ, dễ sân hận, vẫn còn tâm kiêu căng tật đố, tâm ích kỉ nhỏ nhoi, chấp nhặt, không có tâm hỉ xả cởi mở, những khiếm khuyết này chúng ta rõ hơn ai hết, và chúng ta phát nguyện sẽ nỗ lực loại bỏ những cái xấu dở này, tấm lòng sẽ bao dung hơn, hỷ xả hơn, luôn nói lời chân thật, xây dựng tinh thần đoàn kết với mọi người, mỗi người cùng nhất tâm sám hối sẽ được Bồ tát, chư vị đức Phật tán thán khen ngợi vì người đệ tử Phật đã nỗ lực tu tập, có tâm niệm cao cả.
Chúng ta nhớ lại ngày Rằm tháng Bảy có buổi lễ Tự tứ, chư Phật hoan hỉ, chúng tăng tự tứ, chư tăng chư ni cùng ngồi lại, bộc bạch, nếu thấy có lỗi thì phát lồ ra trước chư tăng để sám hối, nếu không thấy có lỗi, không thấy được lỗi của mình thì ngồi tại chỗ yêu cầu chúng tăng vì mình mà chỉ lỗi cho, để sám hối. Nếu đại chúng thấy lỗi, nghe lỗi, nghi con có lỗi gì, từ bi chỉ dạy cho con để con y pháp sám hối cho ba nghiệp được thanh tịnh. Người nào luôn luôn nhìn lỗi mình, và phát nguyện dứt trừ lỗi lầm sẽ dần dần trở thành người tốt, dần dần trở thành một bậc thánh nhân.
Bởi vậy, ngày sám hối đầu năm là ngày thiêng liêng khiến chúng ta có ấn tượng thiêng liêng trong tinh thần nhìn lỗi và phát trừ lỗi. Cho nên sám hối là ăn năn nhận lỗi trước và tinh tấn phát nguyện dứt trừ không phạm nữa.

e. Phát Nguyện

Sau khi sám hối, chúng ta phát nguyện, những lời nguyện giúp chúng ta có được năng lực. Ví dụ: chúng ta có thói quen vừa thấy, vừa nghe là chúng ta dễ sân hận lên ngay, mà niềm sân hận khiến cho chúng ta phiền não bất an, mất ăn mất ngủ, làm nhiều điều tổn hại đến những người chung quanh, người xưa thường nói “giận quá mất khôn” hay “một đống lửa sân có thể đốt cả rừng công đức”.

Lâu nay mình thường không dừng được khi gặp những điều trái tai gai mắt thì ngày nay chúng ta cũng chí thành phát nguyện suốt năm nay không để sân hận nổi lên, phát huy tâm từ bi, cởi mở với những điều bất như ý khi nó xảy đến, điều này sẽ được chứng minh bởi Bồ Tát, chư Phật, Long thiên hộ pháp để đến khi vừa về đến nhà nếu có gặp điều khiến sự sân hận nổi lên, ngay lúc đó lời nguyện chúng ta đã phát trong buổi lễ đầu năm này sẽ phát huy sức mạnh, làm ta dừng lại tâm sân hận, để phát huy trí tuệ, định tĩnh.

Bởi vậy, buổi lễ đầu năm có sức mạnh thiêng liêng chính là bởi tâm chí thành tha thiết của chúng ta. Ai cũng muốn mình, gia đình mình, họ hàng, chìm xóm, đất nước, nhân loại đều được bình an, mỗi người một tâm chí thành thực hiện cho được tâm huyết đó.

f.Hồi hướng công đức sau buổi lễ


“Hồi” là quay về tâm hướng thiện, phát huy điều lành, “Hướng” cho mọi người đều làm việc thiện, nguyện cho chúng sinh và mình đều thành Phật đạo đó là chúng ta hồi hướng. Nghe tưởng xa vời nhưng chư Tổ đã gửi gắm vào đó lời dặn dò: “ Phật là bậc giác ngộ trọn vẹn, Bồ Tát là bậc giác ngộ từng phần, giải thoát từng phần còn chúng ta cũng tu tập để giải thoát và giác ngộ từng phần”.

Mỗi một tâm niệm hỷ xả không chấp, trưởng dưỡng tâm Phật, là gieo hạt giống Phật trong tâm, hướng cho mọi người đến tâm an lạc, giải thoát. Đạo hạnh, công đức này của mình đây đều là để mong mỏi mọi người giải thoát, không còn lầm chấp nữa. Tinh thần cầu phúc cầu an từ tâm chí thành của mọi người sẽ mang lại sức mạnh rất lớn, cầu gì cũng thành công. Nhưng phải cầu theo tâm thành sám hối, nguyện, hồi hướng thì mới thành tựu, cũng như bà Thanh Đề là mẹ của Ngài Mục Kiền Liên vì sân hận quá nhiều phải đọa địa ngục, ngài Mục Kiền Liên dù thần thông bậc nhất, xuống địa ngục cứu mẹ cũng không cứu bà được. Bát cơm đem đến nhưng với tâm sân hận quá nặng, bà lấy tay che, không để ai trông thấy, nên cơm hóa thành lửa than, không ăn được, nghiệp quả nặng vậy ai có thể cứu bà được. Ngài đã cầu thỉnh Đức Phật và Phật  liền dạy phải thiết lễ Vu lan cúng dường chư Tăng và sau lễ, bà thoát địa ngục, sinh lên cõi trời.

Cầu được thành tựu như vậy là do đâu? Chư tăng chỉ cầu hết cho bà Thanh đề thôi hay cầu hết cho cả chúng sinh?

Đức Phật, các vị Bồ tát, chư Hiền thánh Tăng cầu hết cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng một người nào cho nên chúng ta nhìn rõ, bà thoát khỏi ngã quỷ nhờ hai phần: Một là do oai lực của chúng Tăng thanh tịnh hồi hướng đến chúng sinh. Hai là nhờ tâm tỉnh ngộ của bà, thấy được oai lực của chúng Tăng, lòng từ bi hỷ xả vô biên, tự tâm bà giải trừ thâm sân si nên bà được siêu thoát và sinh lên cõi trời.
Bởi vậy, quý Thầy muốn mọi người hiểu rõ buổi lễ, hiểu ý nghĩa giá trị thiêng liêng của buổi lễ để buổi lễ được thành tựu viên mãn. Chúng ta đã thấy được tinh thần của buổi lễ đầu năm rất thiêng liêng, chứ không chỉ đơn giản như chúng ta nghĩ là dâng cơm lên quý thầy, dâng cúng lễ là xong, giao thẳng cho quý Thầy làm hết, cúng bái như thế nào là do quý Thầy làm hết, vậy tâm thành của con ở chỗ nào?
Thái cực thứ nhất là giao hết cho quý Thầy là xong, hay thái cực thứ hai là không cần cầu, chỉ cần tâm mình là đủ đều không đúng.
Vì tâm mình không có đủ lực để mình khắc phục được nghiệp mà cần nhiều người hợp lực lại, cùng sự gia trì của Tam Bảo, sự chú nguyện của chúng Tăng để hồi hướng. Do vậy đừng bị chấp lệch một bên thái cực nào cả.

3. Tóm kết
Hình ảnh Đức Phật Di Lặc lúc nào cũng có nụ cười trọn vẹn, sự bình an trọn vẹn nhờ tu hạnh hỷ xả vì hỷ là vui, xả là bỏ, đầu năm mới, chúng ta học hạnh của đức Phật Di Lặc là hạnh hỷ xả để trọn vẹn một năm được bình an.
Quý Thầy chúc cho tất cả đạo tràng đều tinh tấn sám hối, phát nguyện xây dựng thiện pháp, một điều lành nhỏ cũng không bỏ qua trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình, hàng xóm và muốn được bình an trọn vẹn, phải giác ngộ như lời Phật dạy, phải thấy được cuộc đời là chiêm bao, mộng huyễn, không bị nó trói buộc, khiến cho ta đau buồn, thấy được các pháp là vô thường, vô ngã, khi thấy một vật bất như ý, dưới cái nhìn vô thường, chúng ta không chỉ thấy mình cái đó mà còn cả những cái khác nữa.
Ví dụ: Khi đau ốm, bệnh tật, ta còn hiểu cái già, cái bệnh, cái chết là lẽ đương nhiên. Cho nên, biết thân này như vậy thì không bị ảnh hưởng nặng nề trên cái thân đó.
Cuối cùng hơn tất cả là chứng nhận được Phật tâm của chính mình vì mục đích của chư Phật ba đời là khai thị cho chúng sinh tin nhận lại Phật tâm của chính mình. Đây mới chính là mùa xuân viên miễn, bình an viên miễn mà Phật Di lặc đã chứng được và dạy lại cho chúng sinh. Đây là những điều thiết yếu để xây dưng một năm trọn vẹn bình an.
Vì vậy, nếu chúng ta chỉ một bề cầu bên ngoài, không sám hối, không phát nguyện thì dù quý Thầy có cầu, chúc phúc với tâm tha thiết cũng không thể giúp tâm nguyện Phật tử chúng ta được thành tựu. Mong rằng tất cả quí Phật tử đều hiểu rõ điều này.
Xưa nay, chúng ta thường nghe chữ “mê tín dị đoan”, mê là không tỉnh, không sáng suốt mà tin thì gọi là mê tín còn chánh tín là tin bằng lòng tin chân chính, tin vào chân lí, đúng với lẽ thực, đi đúng con đường Phật dạy, không bị lầm chấp vào những duyên bên ngoài. Khi mình biết đời này hay đời trước mình có nhiều lỗi dở, sẽ bị gặt quả vào lúc này hay lúc khác, bởi vậy, chúng ta cần tích cực hơn nữa trong việc làm lợi ích cho chúng sinh, gieo trồng phúc đức, an lạc, tín tâm với Tam Bảo cho mọi người. Chính những phúc đức đó mới khiến chúng ta được bình an, cởi bỏ được oan khiên nghiệp báo.Trong kinh có nói: hai chữ Từ Bi là đạo tràng sám hối nghiệp chướng.
Mong rằng, trong ngày lễ đầu năm, các Phật tử sẽ phát nguyện tha thiết và hồi hướng cho mọi người chứ không phải riêng cho mình để lòng Từ Bi được tăng trưởng.
Mong nguyện Tam Bảo gia hộ cho quí Phật tử đều thành tựu được sở nguyện cao cả, sức khỏe, an lạc, tu học tinh tấn, mọi sở cầu lành đều được thành tựu như ý, gia đình quí Phật tử cũng được nương nơi công đức lành này mà tăng phúc, lộc thọ, được gặp Phật pháp tiến tu, Chúc cho toàn bộ đại chúng được vô lượng an lạc.
Nam mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni tác đại chứng minh.

 

Các bài mới

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 14609
  • Online: 15