Yếu chỉ Tâm Kinh Bát Nhã

23/10/2018 | Lượt xem: 3051

TT.Thích Thông Phương giảng tại TVTL Chánh Giác

I. DÙNG TRÍ TUỆ ĐỂ NHÌN CÁC PHÁP

Lâu nay chúng ta nhìn các pháp theo tình thức phân biệt hay là nhìn theo cái tình mê, thì cái đó gọi là thấy nhưng mà thấy theo cái chiều của vô minh sai lầm, thấy theo cái "tôi" điên đảo. Bởi vậy luôn luôn mang đến phiền não, khổ đau cho mình và cho người. Thấy cái gì mà thuận theo mình thì yêu, thì thích, còn không thuận theo mình thì ghét, không ưa; hợp với mình thì đúng mà không hợp với mình thì sai.

Như vậy tức là thấy nhưng không thấy theo sự thật mà thấy theo cái tôi, thành ra bóp méo sự thật. Gọi là không thấy được đúng như thật các pháp, mà luôn luôn bóp méo theo cái tình phân biệt của Ta. Như câu chuyện trong kinh Pháp Bảo Đàn, có hai ông tăng cãi nhau về phướn động và gió động:

Một hôm, hai ông tăng thấy trước chùa có treo một lá phướn (lá cờ), nó bay phấp phới thì một ông nói rằng:

- Đó là phướn động.

Còn một ông thì nói:

- Đó là gió động.

Hai ông cãi nhau hoài mà không ra lý, ông nào cũng có lý hết. Thấy rõ ràng là lá phướn bay phấp phới đó, là phướn động chứ gì! Nhưng ông kia nói là có phướn mà không có gió thì làm sao động được, gió thổi - nó mới động. Bởi vì mỗi người chỉ thấy một chiều thôi, theo tình phân biệt của cái Tôi thành ra che mờ đi chân lý, từ đó mới có tranh cãi, rồi có phiền não với nhau. Trong cuộc sống chúng ta hằng ngày cũng vậy đó, nếu không khéo dùng trí tuệ để nhìn thì cũng sẽ đưa đến tình trạng người thấy thế này, người thấy thế khác rồi thì cãi nhau thôi.

Tâm Kinh Bát Nhã dạy chúng ta chuyển cái nhìn trở lại, chứ không phải nhìn theo chỗ đó nữa, nhìn các pháp theo chiều trí tuệ sáng suốt, đem trí tuệ để mà soi sáng thế gian, để khiến cho thế gian hiện ra trong ánh sáng của trí tuệ. Học Tâm Kinh Bát Nhã là phải như vậy đó, tức là phải vượt lên cái tình mê lâu nay, là dám chuyển đổi một cái nhìn cố hữu lâu đời của chúng ta, cái nhìn của thường tình thế gian. Những điều mà thế gian thấy như vậy là đúng, nhưng Bát-nhã thì thấy không phải vậy. Thế gian thấy là có "ta", có "người" còn Bát-nhã thì thấy "không ta", "không người"; thế gian thì thấy có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, còn Bát-nhã thì thấy là không-sắc tức không; thế gian thấy là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, còn Bát-nhã thì cũng thấy là không - không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Có phải là đảo lộn với cái thấy của thường tình thế gian hay không? Nhưng người học Bát-nhã thì phải dám thấy như vậy!

Tuy nhiên, đây là thấy bằng sự quán chiếu chân thật, đúng với chánh pháp, chứ không phải là tưởng tượng, không phải là thấy suông bằng phân tích chữ nghĩa.

Xưa có Ngài Tử Bá, Ngài dạy: "Là người học, khi tắm rửa, phải sanh rất là hổ thẹn, phải xét thấu cái nhân từ đâu, rồi xưng Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa ba lần, sau đó mới có thể vào tắm. Bởi Bát-nhã là mẹ của tất cả chư Phật, xưng mẹ thì không kể nhiều ít đều theo đó. Sao gọi là xét thấu cái nhân từ đâu? Là phải khởi niệm như vầy: "Nước này là do sức của chúng ta làm thành, ở trong núi sâu giá rét, bửa củi, gánh nước, chuyển lạnh làm nóng, xét lại coi chúng ta có đức hạnh gì mà nhận tâm lực của đại chúng? Tức đem một việc tắm rửa, vào nước ra nước, chợt đó tâm quang chẳng mê mờ, diệu xúc sáng tỏ liền vào biển Phật"." Ở đây, Ngài Tử Bá muôn nhắc cho những người học đạo ngay khi tắm rửa cũng phải dùng trí tuệ Bát-nhã để mà nhìn, chứ không phải nhìn theo kiểu thường tình thế gian rồi sanh tham đắm ở trong đó. Tức là khi tắm rửa, tuy chỉ là chuyện tầm thường của thế gian, nhưng cũng phải dùng trí tuệ Bát-nhã để quán chiếu, để nhìn cái việc tắm đó thì tắm mới không mê lầm, mới không sanh phiền não, tắm như vậy đó là mình tắm trong trí tuệ, tắm trong chánh pháp, không để cho những thứ tình mê che mờ lẽ thật. Như vậy, ngay trong việc tắm mà cũng thành Phật pháp. Còn nếu không khéo thì, có khi Phật pháp mà mình biến thành không phải Phật pháp nữa.

Ví dụ như mình tụng kinh hoặc là niệm Phật - đó là Phật pháp - nhưng nếu mình tụng kinh mà sanh phiền não thì đâu phải Phật pháp! Chúng ta hiểu vậy rồi để ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Ở đây lấy việc tắm làm tiêu biểu, rồi ứng dụng qua những việc khác cũng vậy, mình cũng dùng trí tuệ mà nhìn, cái gì cũng nhìn theo chiều trí tuệ đó thì sẽ sáng suốt và tránh bớt những phiền não sanh khởi làm mê lầm chân tánh.

Học Bát-nhã thì chúng ta phải tập sống có trí tuệ, ở đây gọi là tập sống bởi vì mình chưa thâm nhập. Tập sống có trí tuệ để rồi lấy trí tuệ đó soi sáng vào cuộc sống khiến cuộc sống có ánh sáng Bát-nhã soi tới. Cuộc sống mà có ánh sáng Bát-nhã soi tới thì sẽ tan bớt đi những bóng tối mê lầm, những bóng tối vô minh khiến cho mình lầm đường lạc lối ở trong khổ đau, thì đó là con đường an vui hạnh phúc chân thật. Bảo đảm người sống có trí tuệ thì bớt khổ, còn thiếu trí tuệ thì sẽ có khổ. Đó gọi là đem Bát-nhã vào trong đời sống thực tế chứ không còn nằm ở trong kinh sách để mình tụng. Đó mới là Bát-nhã sống. Như vậy mới thấy được ý nghĩa mình học Bát-nhã và dùng Bát-nhã. Bởi vì mình học là để dùng chứ không phải học là để tụng, đó là điều quý vị phải thấy cho thấu đáo.

 

II. THẤY CÁC PHÁP ĐỀU KHÔNG THẬT CÓ

Tâm Kinh Bát Nhã chỉ dạy chỉ dạy cho mọi người có cái nhìn, có cái thấy đối với các pháp, không pháp nào là thật có. Nghĩa là đối với cái nhìn của con mắt trí tuệ Bát-nhã thì tất cả các pháp từ pháp thế gian cho đến pháp xuất thế gian đều là Không - rỗng không - không có cái thực thể, không có cái tánh thật của nó. Nó có nhưng mà nó không có tánh thật, gọi là giả có, có trên cái giả tướng thôi, cho nên nó không có chắc chắn, không có cố định gì hết. Còn theo tình thức phân biệt thì cái gì cũng thật có, bởi thấy thật có nên theo đó mà bám chấp. Nhưng ở đây thấy ngược lại, theo trí tuệ Bát-nhã thì đều Không, không có tánh thật, không thật có gì hết, như vậy là phá ngay cái tình chấp cố hữu của mọi người. Lâu nay mọi người thấy vậy nhưng theo Bát-nhã thì thấy không phải vậy. Cho nên ngay vào đầu của Tâm Kinh Bát Nhã thì đã nêu lên "Bồ-tát Quán Tự Tại thực hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều Không", đúng là phá vỡ đi cái thấy lâu nay của người ta!

Ai ai cũng thấy cái "Ta" này là thật có, là chắc chắn, nó là trung tâm của vũ trụ, nó là cốt lõi của cuộc sống, không có nó là xem như hết sống rồi! Nhưng ở đây lại thấy là Không, thì quý vị chịu nổi không? Rồi sáu căn, sáu trần, sáu thức, mười hai nhân duyên, bốn Thánh đế cho đến trí chứng đắc cũng đều Không luôn. Quả là giống như trời sập!

Lâu nay ai cũng thấy mấy thứ đó là có hết, bây giờ đây nói Không, xem như sụp đổ hết tất cả. Nhưng nói Không ở đây là không thế nào? Đây không phải là nói suông, thấy suông mà phải dùng trí tuệ Bát-nhã để quán chiếu, để thấy. Bởi vì sao? Vì tất cả đều là pháp nhân duyên, không có cái gì tự có, tìm không ra cái tự tánh thật của nó, cho nên nói "Không" là vậy. Mặc dù là các pháp có hiện khởi nhưng nó hiện khởi trong cái nhân duyên, tức là nhiều điều kiện tụ hợp lại. Ví dụ cái bình hoa này chúng ta thấy nó đó, nhưng kiểm để tìm ra cái thật tánh của bình hoa như thế nào thì làm sao mà chỉ? Ai có thể chỉ ra xem, cái gì là cái thật tánh của bình hoa? Thấy thì thấy rõ ràng nhưng chỉ thì chỉ không ra. Rõ ràng là nó không có cái thực thể tự tồn tại độc lập của nó, mà do nhiều cái ráp lại rồi tạm có cái tướng này thôi, chứ không có cái tự tướng thật cố định của nó. Cũng như cái nắm tay này, rõ ràng đó, nhưng nếu nói là "có" thì buông ra rồi, là sao? Còn nếu quý vị nói là "không" thì sao lại thấy nắm tay đây? Thành ra nói "có" không được, mà nói "không" cũng không được.

Như vậy, nắm tay là do năm ngón tay tạm co lại thì nó có hiện khởi, còn buông ra mà tìm cái tự thể của nó thì tìm không được. Vậy thì thấy "Không" ở đây là thấy bằng con mắt trí tuệ Bát-nhã, là chỗ tuệ chứng chứ không phải chỗ lý luận suông ở trên ngôn ngữ.

Cho nên, tuy thấy "Không" nhưng không phá hoại các pháp, không phá hoại cái có. Tuy nói nắm tay "Không" nhưng không phá hoại nó, không phải "Không" là không có nắm tay. Đây phải hiểu cho đúng đắn, chính bản tánh của nó tự nó là "Không", chứ không phải mình làm cho nó "Không". Người học Bát-nhã là phải làm quen với cái thấy này, để có một cái nhìn trí tuệ sáng suốt hơn, một cái nhìn thấu suốt đến chân lý mà không bị những cái gì khác che mờ.


III. BUÔNG BỎ TẤT CẢ TÌNH CHẤP - TÂM VÔ SỞ TRỤ

Bởi vì đã hiểu rõ tất cả các pháp đều là Không, không có tự thể cố định của nó, nó có trong cái tạm thời thôi, chứ nó không thực có thì còn có cái gì để cho mình bám chấp? Sở dĩ người ta chấp là vì thấy thực có nên mới chấp, còn thấy rõ nó không thực có thì còn gì để mà chấp, chấp vào một cái rỗng không thì chấp cái gì? Cũng giống như là nắm bắt hư không, hư không thì sao nắm bắt? Cho nên người học phải thấy được ý nghĩa đó, thấy được nghĩa Không của Bát-nhã, thì sẽ cởi mở các thứ tình chấp mê lầm điên đảo; còn thấy có thì khó mà buông. Lâu nay người ta chấp là bởi vì thấy cái gì cũng thật có hết. Bây giờ đây thấu suốt đều là không thật có, đều là rỗng không hết, không có một chút gì gọi là cái thực thể, cái bản chất thật của nó thì hết chỗ để nắm bắt, ngay đó tâm liền ngộ ra là lâu nay mình mê lầm, vọng chấp; vỡ lẽ ra thì thật có cái gì để được đâu; gọi là nắm mà nắm cái rỗng không vậy thôi.

Trên thế gian này, mỗi người hãy tự kiểm lại bằng trí tuệ xem: Mình nắm cái này, nắm cái kia, nắm cái nọ, rốt cuộc rồi được cái gì? Cuối cùng rồi được cái nghĩa địa thôi! Khi ra nghĩa địa thì tài sản, sự nghiệp, danh vọng v.v... buông hết, thì rõ ràng là tạm thời thôi đâu có gì để nắm bắt!

Do đó, chúng ta tập sống lại với cái tâm vô sở trụ (không trụ, không dính vào đâu hết) bởi vì có cái gì thật đâu để trụ. Không trụ vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức (năm ấm); không trụ vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (sáu căn); không trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (sáu trần); cho đến không trụ vào vô minh, hành thức cho đến lão tử; rồi cũng không trụ vào chỗ vô minh hết cho đến lão tử hết; mười hai nhân duyên cũng không trụ luôn; rồi cũng không trụ vào khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế; không trụ vào trí chứng và thủ đắc; rốt ráo là không trụ vào đâu hết, tâm đi qua hết, thì ngay đó là Quán Tự Tại giải thoát vô ngại rồi! Tức liền đó qua hết mọi khổ ách, đúng như Tâm Kinh Bát Nhã nói.

Mỗi người nên nhớ kỹ! Hễ có trụ là có dính, có dính là có phiền não, còn không trụ gì hết thì đâu có dính phiền não. Ví dụ như đi ra đường mà lỡ người ta có nói câu gì đó xúc phạm tới mình, mà mình không có trụ vào câu đó thì đứng lại đôi co là có phiền não liền! Hoặc là mình đi xe ngoài đường gặp ai đó họ chạy ngang qua quẹt chút xíu, không đáng kể gì hết, nếu mình không trụ vào đó, liền thôi bỏ qua luôn, chạy về nhà thoải mái, mới tan sở về ăn cơm cho khỏe, còn nếu trụ vào đó thì dừng xe lại đôi co một hồi thành ra chuyện lớn.

Mà muốn được tâm vô sở trụ đó thì phải có trí tuệ để nhìn thấu suốt tất cả các pháp đều rỗng không, đều không thật có thì có cái gì để tâm mình trụ vào. Như bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng trình cho Ngũ Tổ có câu:

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính bụi nhơ.

Ngài thấy rõ lý "xưa nay không một vật" tức là không thấy có một vật thật thì còn chỗ nào để mà dính bụi, dính phiền não, cho đến bụi cũng là rỗng không, không thật luôn thì có gì dính với gì! Còn mình thì thấy có vật thật, có mình thật cho nên mới có dính, dính bụi là dính vậy đó. Bởi vậy, ở đây người học tập dùng trí tuệ nhìn cho thấu đáo, thấy được như vậy thì đó là Tâm Kinh Bát Nhã, chứ không phải Tâm Kinh Bát Nhã là ở quyển sách mình tụng. Học Bát-nhã thì phải thấy Bát-nhã là như vậy, còn không hiểu thì cứ tưởng Tâm Kinh Bát Nhã là quyển sách mình tụng đó, là lầm!


IV. VƯỢT QUA BÊN KIA NGÔN NGỮ VĂN TỰ

Học rồi để mình vượt qua ngôn ngữ văn tự chứ không phải để mình kẹt trong ngôn ngữ văn tự. Cho nên tuy Bát-nhã nói là Không, sắc tức Không; rồi thọ, tưởng, hành, thức cũng tức Không; cho đến Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; Không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp v.v... Nhưng nói "Không" đó để làm gì? Là để phá chấp. Vì chúng sanh có chấp nên Phật mới nói "Không", nếu mà mỗi người không chấp thì Phật cũng không nói "Không" nữa. Nói "Không" đó là để phá chấp thôi, giống như là thuốc trị bệnh, nên cái "Không" này chúng ta cũng không thể chấp. Chỗ Bát-nhã thấy là chỗ vượt qua bên kia tất cả những thứ ngôn ngữ văn tự, nhưng vì chúng sanh còn sống trong cái tình phân biệt đối đãi, do đó Phật cũng phải tạm mượn ngôn ngữ phương tiện để dẫn dắt, để gợi ý. Vậy nên, người chấp "có" thì Phật nói "không", còn người chấp "không" thì Phật nói "có", là phá chấp thôi, còn nếu chúng ta không chấp gì hết thì Phật khỏi nói, khỏi nói "có" cũng khỏi nói "không".

Bởi vậy, người khéo học thì phải thấy vượt qua ngôn ngữ - đây gọi là ngôn ngữ quy ước tạm thời - mà phải thật chứng cái nghĩa thật ở ngoài ngôn ngữ. Người học nên nhớ! Cái nghĩa thật thì nằm ngoài ngôn ngữ hay gọi là nó nằm ở bên kia ngôn ngữ; ngôn ngữ giống như là ngón tay chỉ mặt trăng, mình phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng chứ bám vào ngón tay làm sao thấy mặt trăng được? Mặt trăng không nằm ở ngón tay! Cũng vậy, nghĩa thật nằm bên kia ngôn ngữ! Nhưng tiếc thay, người ta cứ bám vào ngôn ngữ, cứ bám vào chữ nghĩa thì không thể thấy được, cảm thông được ý của Phật, nhiều khi hiểu lầm, hiểu sai ý Phật nữa! Do đó, ở đây chúng ta học "Không" rồi cũng phải vượt qua cái "Không" luôn. Bởi vì cái thấy "Không" đâu có nằm trong cái chữ "Không", cho nên người học đừng có sợ "Không", chỉ sợ không được "Không".

Như trước kia, có một người đến hỏi Thượng Sĩ Tuệ Trung - Ngài là vị cư sĩ thời Trần tu hành đạt đạo; Vua Trần Nhân Tông lúc còn Thái tử đã theo học đạo với Ngài - người hỏi cũng dẫn trong Tâm Kinh Bát Nhã này:

- Trong kinh có nói "Không tức sắc, sắc tức Không", ý chỉ là thế nào?

Thượng Sĩ Tuệ Trung im lặng một lúc lâu, rồi Ngài mới hỏi lại:

- Ông có hiểu chăng?

Người đó thưa:

- Dạ chẳng hiểu.

Kế đó, Thượng Sĩ Tuệ Trung hỏi lại:

- Ông có thấy cái sắc thân này không?

Thưa:

- Dạ có.

Thượng Sĩ bảo:

- Vậy sao nói sắc tức Không?

Kế Ngài hỏi tiếp:

- Ông thấy hư không có tướng mạo chăng?

Người đó thưa:

- Dạ không.

- Vậy sao nói Không tức sắc?

Cuối cùng, người đó hỏi:

- Vậy rốt ráo là thế nào?

Thượng Sĩ Tuệ Trung đáp:

- Sắc vốn không không, không vốn không sắc.

Vị ấy liền lễ tạ.

Sau đó, Thượng Sĩ Tuệ Trung tiếp:

- Ông hãy nghe tôi nói bài kệ này: 

Sắc tức là không, không là sắc

Ba đời Như Lai phương tiện đặt.

Không vốn không sắc, sắc không không

Thể tánh sáng ngời không được mất.

"Sắc tức là không, không tức là sắc"; cái đó gọi là "Ba đời Như Lai phương tiện đặt", tức là tạm thời quyền đặt vậy thôi, tùy theo căn cơ của người, tùy bệnh cho thuốc chúng ta không nên chấp vào đó, đó là phương tiện chứ không phải thật nghĩa. Lẽ thật thì, "không vốn không sắc, sắc không không, thể tánh sáng ngời không được mất", thì nói gì sắc nói gì không? Cho thấy, một vị cư sĩ mà hiểu Bát-nhã thật là thấu đáo, thật là sâu xa, không mắc kẹt ở trên chữ nghĩa, đáng phục! Người học bây giờ ít ai dám nói vậy, kinh nói "sắc tức Không, Không tức sắc" rõ ràng thì mình nếu mà nói thì cũng nói theo đó thôi, nhưng ở đây Thượng Sĩ Tuệ Trung dám nói ngược lại "sắc vốn không không, không vốn không sắc", tuy ngược lại mà không trái với ý kinh mới là hay, còn mình nói theo ý kinh mà mắc kẹt nơi ý kinh thì thành ra là trái với ý kinh.

Như vậy, ở đây nói "sắc" nói "không" đó là phương tiện quyền lập bày, nó là thuốc trị bệnh vậy thôi, nếu hết bệnh thì thôi khỏi dùng thuốc. Như do người chấp "có", chấp cái gì cũng thành có cho nên Phật nói "Không" để phá chấp đó; với người tâm tự tại không còn tình chấp gì hết thì trả lại sắc là sắc, Không là Không, không thêm bớt một niệm gì trong đó, không có một chút gì mê mờ trong đó, khỏi cần nói "tức". Bởi vì với người không còn chấp gì hết, thì đâu còn bị "sắc" bị "không" làm ngăn ngại mà nói "tức" làm gì nữa, lúc này thấy sắc cũng là sáng tỏ không mê mà thấy Không cũng là sáng tỏ không mê; nên gọi là "thể tánh sáng ngời không được mất". Ví dụ như cái bình hoa này, mình không có mê không có dính mắc gì hết, thì thấy bình hoa là bình hoa đâu có chướng ngại gì, thì cần gì nói bình hoa là không! Hiểu vậy đó thì mình thấy đây là thuốc trị bệnh, không nên một bề cố chấp vào đó để rồi thành chướng ngại.

Đúng như tinh thần trong nhà thiền, Thiền sư Duy Tín nói: "Trước ba mươi năm thấy núi sông là núi sông, sau khi học đạo thấy núi sông chẳng phải núi sông, cuối cùng sau ba mươi năm được chỗ an ổn rồi thì lại thấy núi sông là núi sông".

Trước đây ba mươi năm thấy núi sông là núi sông, là giống như mọi người ở đây, thấy cái gì cũng thật hết, thấy cái nhà thật, thấy cái bàn thật, cái bình bông thật, cái ly thật, mình thật, người thật v.v... "Thấy núi sông là núi sông" là vậy đó.

Rồi khi học đạo, học Bát-nhã là thấy núi sông không phải là núi sông, cái gì cũng tánh Không, sắc tức Không, thấy cái bàn cũng tức Không, cái bình hoa cũng tức Không, mình cũng tức Không, người cũng tức Không v.v... Đó là dùng trí tuệ quán chiếu trừ những cái lầm chấp nên thấy cái gì cũng tức Không.

Rồi sau ba mươi năm được chỗ an ổn xong, thấy núi sông lại là núi sông trở lại; nhưng phải là sau ba mươi năm khi đã được chỗ an ổn, tức là đã có qua thời gian quán chiếu tu tập, đã thấy rõ qua những cái lầm đó rồi thì bây giờ tâm không còn trụ vào đâu nữa, không còn dính mắc gì nữa, bây giờ mới thấy trở lại núi sông là núi sông. Vậy là không phá bỏ cái gì hết, giờ thì thấy cái bình hoa cũng là cái bình hoa, cái bàn cũng là cái bàn, cái nhà cũng là cái nhà nhưng bây giờ thấy cái gì cũng sáng hết, thấy cái bình hoa cũng sáng, thấy cái bàn cũng sáng, thấy cái ly cũng sáng, thấy cái nhà cũng sáng, cho đến thấy vàng cũng sáng, thấy kim cương cũng sáng luôn, vậy thì đâu có gì chướng ngại. Còn ngược lại trước ba mươi năm mà thấy kim cương, thấy vàng là tối mò liền, nên phải nói tức không là vậy.

Hiểu vậy rồi thì sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa ở trong kinh nói: "Cỏ cây đều thành Phật" hoặc là "Tình dữ vô tình, đồng thành chủng trí". Hữu tình là chúng sanh, vô tình là những loài cây cỏ, nhiều người thắc mắc không biết cỏ cây mà đều thành chủng trí, đồng thành Phật đạo hết thì tại sao không nghe Phật thọ ký cho những loài đó? Thì đây, sau ba mươi năm khi mà được chỗ an ổn rồi thì thấy núi sông lại là núi sông tức là thấy cái gì cũng đều là sáng ngời, đều là không mê hay nói rõ hơn là thấy cái gì cũng đều giác ngộ hết. Vậy là thành Phật đạo hết chứ gì nữa! Thấy núi sông cũng là Phật đạo, thấy cái bàn, cái ghế, cái bình hoa cũng là Phật đạo, đều ở trong ánh sáng giác ngộ, thì thấy thấu đáo. Còn không thì chấp theo chữ nghĩa đôi khi thành ra xuyên tạc Phật. Nói cỏ cây cũng thành Phật, thảnh ra cỏ cây đồng với Phật, đó có phải là xuyên tạc Phật hay không? Cho nên có câu: "Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Lìa kinh một chữ, tức đồng ma thuyết".

Nghe trong kinh nói "tình dữ vô tình, đồng thành chủng trí" mình theo đó giải nghĩa, cỏ cây là vô tình thì cũng thành Phật được, giải kiểu đó có phải oan cho ba đời chư Phật không? Còn nếu "rời kinh một chữ" thì "tức đồng ma thuyết", tức là nói theo ý riêng của mình không dính dáng gì đến kinh, thì thành ma thuyết, khó như vậy đó!

Rõ ràng cũng câu đó, nếu mình lấy tình mê của mình để giải thì nó thành ra méo mó, sai lầm; còn nếu mình dùng trí tuệ nói thì nó sáng tỏ, hợp với chân lý. Bởi vậy, học pháp, học kinh là để mình hiểu nghĩa, mà nghĩa kinh thì nó lại không ở trong kinh, người học nên nhớ điều đó! Nghĩa kinh ở trong Tâm của mỗi người, Tâm mà sáng thì mình thấy được cái nghĩa kinh đó, chứ nó không có ở trong bộ kinh này bộ kinh kia. Cho nên học kinh phải lột tả được ý kinh là vậy đó. Nhưng muốn lột tả được ý kinh thì phải có thực hành; cũng như ở đây, học rồi phải đem ra quán chiếu trong thực tế nơi bản thân mình. Khi mình quán chiếu thấy thấu đáo như vậy rồi thì cởi mở tình chấp. Đó mới gọi là "bộ kinh sống". 


V. TÓM KẾT

Học Bát-nhã là học phá chấp, để chúng ta sống với trí tuệ chân thật không có mê lầm, do đó nếu còn có chấp là không phải Bát-nhã. Bát-nhã nói là "sắc tức Không" nhưng nếu chúng ta một bề chấp sắc tức Không thì cũng không phải Bát-nhã, hãy nhớ kỹ! Bởi do người chấp sắc là "có" nên đây nói "Không" để phá chấp. Khi hết chấp rồi thì sắc là sắc, Không là Không chứ không phải một bề cố chấp nó phải như vậy. Nên nhớ! Hễ có chấp là mê Bát-nhã, mà có Bát-nhã là không có chấp. Không có chấp thì sáng suốt tự tại vô ngại, thấy gì cũng không chấp thì đâu có gì che mờ, như vậy là gặp Bồ-tát Quán Tự Tại ở ngay trong chính mình, chứ không phải ở trong kinh nữa. Tức là quán cái gì cũng tự tại hết, thì tức là Bồ-tát Quán Tự Tại hiện tiền chứ còn gì nữa. Và như vậy tức là tiêu hóa được Tâm Kinh Bát Nhã. Yếu chỉ là ở chỗ này đây, đọc thì phải tiêu hóa, còn không tiêu hóa thì nhiều khi thành bệnh. Kết thúc lại bằng bốn câu kệ này cho tất cả nhớ:

Tâm Kinh Bát Nhã

Chẳng nuốt chẳng nhả.

Nếu người thấu đáo

Liền tiêu Bát-nhã.

Không nuốt vào mà cũng không nhả ra thì mới là Tâm Kinh Bát Nhã, còn nuốt thì cũng kẹt, mà nhả ra thì cũng kẹt. Thấu đáo như vậy đó là tiêu luôn Bát-nhã. Do đó hãy khéo ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, để sống luôn luôn có trí tuệ. Sống có trí tuệ thì giải bớt những cái tình mê của mình; giải bớt những cái tình mê của mình thì bớt được những phiền não những khổ đau. Trong kinh nói là qua được những khổ ách, đó là lẽ thật. Kinh nói là "chân thật không hư dối". Chỉ có chúng ta hiểu chưa tới hoặc là làm chưa tới thành ra chưa thấy hết được ý kinh thôi. Học và hành đến nơi thì chứng thực được những lời Phật nói, quả đúng chân lý xưa nay là như vậy!

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05319
  • Online: 36